Quy Định Của Pháp Luật Quốc Tế Về Xử Lý Chuyển Hướng Đối Với Người Chưa Thành Niên Phạm Tội Và Những Gợi Mở Cho Việt Nam
Xử lý chuyển hướng (XLCH) là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới trong chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (NCTN). Chưa có khái niệm thống nhất về thuật ngữ XLCH. Tuỳ vào ngữ cảnh và việc các tổ chức, cá nhân sử dụng sẽ hiểu mang ý nghĩa khác nhau. Bài viết phân tích các quy định quốc tế về XLCH, điều kiện áp dụng và phân loại biện pháp XLCH, từ đó đưa ra những gợi mở cho Việt Nam.
Khái niệm xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội
Trong pháp luật quốc tế, khái niệm XLCH được thể hiện qua: Quy tắc của Liên hợp quốc (LHQ) về chuẩn mực tối thiểu của hoạt động tư pháp NCTN năm 1985 (Qui tắc Bắc Kinh), Công ước của LHQ về Quyền trẻ em năm 1989 (CRC), Các chiến lược mẫu của LHQ về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em 2014. Theo đó, XLCH là biện pháp xử lý NCTN vi phạm pháp luật hình sự mà không dùng đến thủ tục của Tòa án trong quá trình tố tụng.
- Quy tắc Bắc Kinh. Điều 11 Quy tắc Bắc Kinh xuất hiện đầu tiên trong khung pháp lý của LHQ: “Bất cứ khi nào thích hợp, phải xem xét về việc xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không phải đưa ra xét xử chính thức (fornal trial) bởi cơ quan có thẩm quyền” và “không dùng đến những phiên tòa chính thức”.
- Công ước của LHQ về Quyền trẻ em năm 1989. Tại Điều 40.3(b) CRC bao hàm: “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật mà không phải sử dụng đến thủ tục tố tụng tư pháp (judicial procceding), miễm là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý được tôn trọng đầy đủ”.
- Các chiến lược mẫu của LHQ. Điểm I Điều 6 Các chiến lược mẫu của LHQ đưa ra khái niệm: “Xử lý chuyển hướng đề cập đến quy trình xử lý trẻ em bị cáo buộc, bị buộc tội hoặc bị kết luận là đã vi phạm luật hình sự như một biện pháp thay thế cho thủ tục tố tụng tư pháp (alternative to judicial proceedings), với sự động ý của trẻ em và cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em”.
Điều kiện áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội
Theo Điều 40.3(b) CRC, các quyền con người và các biện pháp đảm bảo pháp lý cho trẻ em được cụ thể hóa thông qua các điều kiện để áp dụng XLCH đối với NCTN phạm tội như sau:
- Khi có bằng chứng thuyết phục về NCTN đã thực hiện hành vi phạm tội bị cáo buộc. Chỉ khi NCTN thực hiện hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì họ mới bị xét xử.
- NCTN phạm tội phải tự do và tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội. Theo quy định, XLCH chỉ áp dụng đối với người phạm tội. Và người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi Tòa án kết luận. Do vậy, việc thừa nhận hành vi phạm tội này sẽ không được sử dụng để chống lại NCTN trong bất kỳ thủ tục nào được tiến hành tiếp theo sau đó.
- Phải được sự đồng ý có hiểu biết của NCTN phạm tội. Sự đồng ý áp dụng XLCH phải dựa trên thông tin đầy đủ, cụ thể về bản chất, nội dung thời hạn và hậu quả của việc hoàn thành hoặc không hoàn thành biện pháp XLCH. Điểm này cũng được quy định trong Qui tắc Bắc Kinh và Qui tắc 3.4 Quy tắc Tokyo.
- Các vụ việc được XLCH không hạn chế mức độ nghiêm trọng. XLCH không nhất thiết phải hạn chế đối với những tội phạm ít nghiêm trọng mà có thể áp dụng đối với hành vi vi phạm tội nghiêm trọng nếu thích hợp.
- Không bao gồm việc tước tự do. Các biện pháp XLCH không bao gồm việc tước tự do của NCTN.
- NCTN được XLCH không bị coi là có án tích. Hồ sơ về XLCH có thể lưu giữ cho mục đích hành chính, xem xét điều tra và nghiên cứu, nhưng không được xem như bản án hình sự hoặc dẫn đến hồ sơ tội phạm chính thức.
- Phải có các điều khoản quy định cụ thể về trường hợp được XLCH.
- NCTN phải được tạo cơ hội tìm kiếm sự trợ giúp thích hợp liên quan đến XLCH.
- Các biện pháp XLCH phải tương xướng với hành vi vi phạm.
Phân loại các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội
Hiện nay, pháp luật quốc tế phân loại XLCH theo hai căn cứ:
- Căn cứ vào thời điểm áp dụng XLCH. Theo đó sẽ có: XLCH tiền tố tụng và XLCH trong quá trình tố tụng.
- Căn cứ vào mức độ can thiệp của các biện pháp XLCH đến đời sống của NCTN phạm tội, XLCH chia thành hai loại là biện pháp xử lý không can thiệp , không chính thức và biện pháp xử lý can thiệp chính thức, chính thức.
Gợi mở cho Việt Nam trong việc hoàn thiện các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Các văn bản quốc tế không đưa ra định nghĩa chính thức về XLCH, nhưng dựa vào đó có thể thấy Việt Nam cũng có quy định về XLCH đối với người dưới 18 tuổi tại Bộ luật Hình sự 2015 BLHS 2015) qua các biện pháp giám sát, giáo dục (GSGD) người dưới 18 tuổi dù còn có nhiều hạn chế và chưa rõ ràng.
- Thứ nhất, về tên tên gọi khái niệm XLCH. BLHS 2015 quy định các biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội với tên gọi: “Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” tại Mục 2 Chương XII và theo khoảng 2 Điều 91 BLHS 2015. Dẫn đến hạn chế nhận thức thống nhất trong việc xác định bản chất pháp lý của các biện pháp GSGD cũng như thực hiện nghĩa vụ của người được áp dụng biện pháp GSGD. BLHS 2015, cần đổi tên Mục 2 thành “ Biện pháp xử lý chuyển hướng”. Đồng thời làm rõ bản chất pháp lý của các biện pháp này và áp dụng độc lập không cần điều kiện “miễn TNHS”.
- Thứ hai, Về điều kiện áp dụng biện pháp XLCH. Điều 92 BLHS 2015 quy định khi áp dụng các biện pháp XLCH đòi hỏi: Người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải đồng ý với việc áp dụng biện pháp XLCH, phải có bằng chứng người dưới 18 tuổi đã thực hiện hành vi phạm tội bị cáo buộc, phải tự do tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội,.. là chưa phù hợp, cần được đối chiếu với các chuẩn mực thế giới để bổ sung hoàn thiện thêm.
- Thứ ba, về các biện pháp XLCH. Đưa ra các kiến nghị : Về việc áp dụng biện pháp XLCH trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Khoản 3, 4 Điều 91 BLHS 2015, về các biện pháp XLCH do Tòa án áp dụng khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm, về việc ưu tiên áp dụng XLCH trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử so với các biện pháp xử lý chính thức. Theo đó cần sửa đổi bổ sung rõ việc áp dụng các biện pháp XLCH trước khi khởi tố VAHS, sửa đổi biện pháp GSGD thành biện pháp XLCH, ưu tiên xem xét việc áp dụng XLCH đối với người dưới 18 tuổi pham tội.
Bài viết dựa trên những chuẩn mực quốc tế về XLCH đối với NCTN phạm tội, không nhấn mạnh vào sự khác biệt, bắt buộc, là các tiêu chí chung hình thành nên nền tảng lý luận cho việc quy định XLCH đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong luật hình sự Việt Nam.