Quy Định Của Pháp Luật Về Đối Thoại Trong Tố Tụng Hành Chính
Pháp luật Việt Nam giải quyết mọi việc theo lý nhưng cũng dựa trên tình. Quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối thoại, hòa giải đóng vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Với phương thức đồng thuận cảm thông, đối thoại trong tố tụng hành chính là một bức phá mang tính kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc.
Đối thoại được xem là điểm khá mới, là đặc thù của tố tụng hành chính nhằm giúp các bên đương sự hiểu rõ hơn về nội dung vụ án, từ đó có quyết định phù hợp. Qua đối thoại, tùy thuộc vào ý chí của đương sự mà tòa án sẽ có cách xử lý khác nhau. Đối thoại đã trở thành một lựa chọn, một giải pháp căn cơ, giúp giải quyết nhanh khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Đối thoại góp phần giúp giải quyết vụ việc nhanh hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, của Nhà nước.
Khái quát về đối thoại trong tố tụng hành chính
Theo quy định tại Điều 20 Luật Tố tụng hành chính 2015, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này”. Như vậy, đối thoại là hoạt động bắt buộc, các bên tranh chấp trong vụ án hành chính phải tiến hành trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, theo nguyên tắc, thủ tục của Luật quy định, trừ một số trường hợp được Luật quy định không phải đối thoại.
Đặc thù của lĩnh vực hành chính với quan hệ một bên là cơ quan hành chính Nhà nước thi hành quyền lực hành chính công và một bên là cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu sự điều hành quản lý, không giống như khi giải quyết các vụ việc dân sự, nên Luật Tố tụng hành chính không quy định nguyên tắc hoà giải mà quy định nguyên tắc đối thoại trong giải quyết tranh chấp. Theo nghĩa thông thường, đối thoại là việc bàn bạc, thương lượng giữa hai hoặc các bên có vấn đề tranh chấp. Do vậy, đối thoại cũng được xem là đặc thù của tố tụng hình chính, nhằm giúp các bên đương sự hiểu rõ hơn về nội dung vụ án, từ đó quyết định phù hợp. Qua đối thoại, tùy thuộc vào ý chí của đương sự mà tòa án sẽ có cách xử lý khác nhau.
Mục đích của đối thoại là tạo sự thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc để các đương sự ngồi lại với nhau, cùng nhìn nhận lại sự việc, hàn gắn những mâu thuẫn, vướng mắc. Đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Mặt khác cũng giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan, giúp Nhà nước, đặc biệt là các Cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được khối lượng lớn công việc, là phương thức giúp hạn chế được nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài không có hồi kết, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phân biệt giữa đối thoại và hòa giải
Đối thoại và hòa giải là các phương thức được sử dụng trong tố tụng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trước khi giải quyết tranh chấp. Phân biệt giữa hòa giải và đối thoại như sau:
Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật.
Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật.
Như vậy, điểm khác khi sử dụng phương pháp đối thoại hay hòa giả là đối với vụ án hành chính thì tiến hành theo cách thức đối thoại, đối với vụ việc dân sự thì tiến hành theo cách thức hòa giải.
Ý nghĩa và nguyên tắc đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính
Đối thoại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng hành chính. Là phương thức hữu hiệu, phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của xã hội nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống khi mà các mâu thuẫn có thể giải quyết bằng cách ngồi lại với nhau thay vì phải tốn rất nhiều công sức, chi phí, thời gian cho việc kiện tụng kéo dài. Đối thoại phần lớn được các bên tự nguyện thi hành. Với cách thức thân thiện, đồng thuận và trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Theo Điều 134 Luật Tố tụng hành chính 2015, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, việc đối thoại phải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
- Bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự.
- Không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ.
- Nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Thời điểm thực hiện đối thoại trong quá trình tố tụng hành chính
Đối thoại được hiểu là một trong những quyền và nghĩa vụ cũng như trác nhiệm của các đương sư, Tòa án trong tố tụng hành chính. Trong quá trình tố tụng hành chính, đối thoại được thực hiện vào nhiều thời điểm sau khi vụ kiện hành chính đã được Tòa án thụ lý. Theo quy định tại Điều 134 Luật tố tụng hành chính năm 2015, đối thoại chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Ngoài ra, trong quá trình Tòa án tiến hành xét xử, các bên đương sự có thể đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên tự đối thoại theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 187 Luật Tố tụng hành chính 2015. Với thủ tục rút gọn, đối thoại chỉ có thế thực hiện tại phiên tòa.
Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia đối thoại
Căn cứ theo Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, các bên tham gia đối thoại và hòa giải tại Tòa án có quyền và nghĩa vụ như sau.
Quyền của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có các quyền sau:
- Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại.
- Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại.
- Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại.
- Đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn.
- Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp.
- Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại; Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có các nghĩa vụ sau:
- Tuân thủ pháp luật.
- Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên.
- Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật này.
- Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
- Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.
Những trường hợp không tiến hành đối thoại
Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020 xác định những trường hợp không tiến hành đối thoại tại Tòa án, đó là:
- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
- Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.
- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.
- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Đối thoại đã có những hiệu quả thiết thực, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí cũng như hàn gắn, duy trì mối quan hệ giữa các bên, giúp các bên tham gia tố tụng thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính trên tinh thần thấu hiểu, đồng thuận.
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com