Quy Định Mới Nhất Về BHXH Dành Cho Lao Động Người Nước Ngoài
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách an sinh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ) khi giao kết quan hệ lao động. Là sự thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập. Đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động.
Trong xu thế hội nhập, theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế, sản xuất, việc người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng phổ biến. Chính sách an sinh xã hội dành cho lao động nước ngoài cũng được nhà nước Việt Nam đưa ra bằng Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2018. Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện việc tham gia BHXH, cũng như được hưởng các quyền lợi về BHXH như lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp có sử dung lao động là người nước ngoài vẫn chưa nắm bắt rõ các quy định này để thực hiện trong thực tiễn.
Đối tượng nào phải đóng BHXH? Mức đóng, tỷ lệ đóng BHXH cho người nước ngoài hiện nay được quy định như thế nào? Điều kiện đóng như thế nào? Lợi ích của khoản đóng góp này thế nào?… Cùng chúng tôi tìm hiểu các thông tin liên quan đến BHXH dành cho người nước ngoài nhé!
Tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải tham gia BHXH?
Điều này không đúng. Không phải tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nào cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, đối tượng đóng BHXH đảm bảo điều kiện sau:
- NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- NLĐ có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Và dù NLĐ nước ngoài thỏa mãn các điều kiện nêu trên nhưng cũng sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- NLĐ di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp: Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.
- NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Như vậy, tùy vào đối tượng, điều kiện chứ không phải bắt buộc tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải tham gia BHXH. Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giao kết, thỏa thuận nhiều hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp khác nhau thì chỉ cần tham gia BHXH với doanh nghiệp đầu tiên.
Tỷ lệ đóng và mức đóng BHXH dành cho lao động nước ngoài
Theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 58/2020/NĐ-CP, tỷ lệ đóng và mức đóng BHXH cho người nước ngoài được quy định như sau:
Người lao động: 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Người sử dụng lao động:
- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản.
- 0,5% (hoặc 0,3% đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện, có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận) vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
Tổng mức đóng bảo hiểm bắt buộc (gồm BHXH, BHYT) cho người nước ngoài từ 01/07/2022 là 30%, chi tiết như sau:
Người lao động: Tổng mức đóng là 9,5%. Trong đó: Quỹ hưu trí và tử tuất là 8%. BHYT là 1,5%.
Người sử dụng lao động: Tổng mức đóng là 20,5%. Trong đó: Quỹ hưu trí và tử tuất là 14%. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 0,5%. Quỹ ốm đau và thai sản là 3%. BHYT là 3%.
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Căn cứ Điều 6 Quy trình thu BHXH ban hành kèm Quyết định số 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở.
Quyền lợi của người nước ngoài khi tham gia BHXH có gì mới?
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng với lao động nước ngoài như sau:
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Trước năm 2022, người lao động nước ngoài mới chỉ được giải quyết chế độ ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do doanh nghiệp mới chỉ đóng bảo hiểm cho các quỹ này.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, theo quy định tại Điều 12, 13 và 17 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP người lao động và người sử dụng lao động nước ngoài sẽ bắt đầu đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nên khi đáp ứng được các điều kiện quy định của pháp luật, lao động nước ngoài sẽ được giải quyết các chế độ này. Cụ thể:
- Chế độ hưu trí: thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.
- Chế độ tử tuất: thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.
- BHXH một lần: thực hiện theo khoản 6 Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.
- Thực hiện chuyển đổi chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú ở Việt Nam: thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định 143/2018/NĐ-CP: “Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi không tiếp tục cư trú tại Việt Nam có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Trường hợp có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần”.
Thủ tục thực hiện BHXH cho lao động nước ngoài
Thủ tục và cách thức thực hiện kê khai BHXH cho người nước ngoài tại Việt Nam cũng tương tự như thủ tục cách thức tham gia BHXH cho người Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thủ tục chung, có một vài lưu ý về hồ sơ như sau:
Hồ sơ đối với người sử dụng lao động:
- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
- Danh sách kê khai báo tăng lao động nước ngoài tham gia BHXH (Mẫu D02-TS).
Hồ sơ đối với người lao động nước ngoài:
- Người lao động là công dân nước ngoài khi tham gia đóng BHXH sử dụng Mẫu TK1- TS kê khai. Khi điền thông tin, các dữ liệu về họ tên, quốc gia phải được ghi theo phiên âm quốc tế. Mẫu này chỉ dùng khi chưa được cấp mã BHXH.
- Hồ sơ cá nhân đính kèm là bản đã được dịch sang tiếng Việt. Các bản dịch này cần được công chứng, chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là thông tin và hướng dẫn của chúng tôi về BHXH cho người nước ngoài. Mời quý vị tìm đọc các bài viết về lao động nước ngoài qua các bài viết của chúng tôi. Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com