Quy Trình Tố Tụng Hình Sự: Từ Khởi Tố Đến Xét Xử!
Khi sự việc vượt ngoài khả năng các chủ thể tự giải quyết cùng nhau thì tố tụng là cách thức được tiến hành để giải quyết một vụ việc theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau có các thủ tục tố tụng tương ứng với từng tính chất đặc thù của sự việc: tố tụng hành chính, tố tụng hình dân sự, tố tụng hình sự,… Các hoạt động tố tụng tuân thủ theo những quy trình riêng với những quy phạm pháp luật cụ thể.
Tố tụng hình sự được biết đến là công cụ sắc bén giúp ổn định, duy trì, phòng chống các loại tội phạm xâm phạm đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giúp bảo vệ pháp lý, công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Thông qua tố tụng hình sự, các quy phạm pháp luật được mọi người nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Ở bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu quy trình tố tụng hình sự từ khởi tố đến xét xử.
Tố tụng hình sự là gì?
Tố tụng hình sự được hiểu là trình tự, thủ tục, cách thức các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và các cơ quan khác của Nhà nước tiến hành xem xét, đánh giá một hành vi có phải là vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật hình sự hay không, cũng như xem xét người thực hiện hành vi vi phạm đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Những mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tố tụng hình sự là các mối quan hệ giữa: Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được pháp luật tố tụng hình sự điều chỉnh.
Tố tụng hình sự giúp phát hiện chính xác, và xử lý nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đồng thời cũng giáo dục mọi công dân ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm.
Quy trình tố tụng hình sự theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Quy trình tố tụng hình sự khá phức tạp, có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn trong hoạt động tố tụng sẽ khác nhau về mục đích, chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên thông thường sẽ có các giai đoạn cơ bản là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cũng như xem xét lại các bản án. Chi tiết:
Bước 1: Tiếp nhận nguồn tin về tội phạm
Đây là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động tố tụng. Cũng là căn cứ để tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo. Nguồn tin về tội phạm bao gồm: tố giác về tội phạm, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.
Theo quy định tại Điều 144, Bộ luật Tố tụng hình sự: tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền; tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm là: cơ quan điều tra, viện kiểm sát các cấp và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Tuy nhiên, đối với các vụ việc có tình tiết phức, cần xác minh tại nhiều địa điểm khác nhau thì thời gian có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 02 tháng. Trường hợp cần thiết, vụ việc có thể được gia hạn một lần không quá 02 tháng.
Bước 2: Khởi tố vụ án hình sự
Sau khi kết thúc giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định: khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố vụ án, tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Khởi tố vụ án hình sự được hiểu là việc cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có hay không có các dấu hiệu của tội phạm, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm, người phạm tội tự thú.
Bước 3: Điều tra vụ án hình sự
Điều tra là giai đoạn rất quan trọng. Cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, dưới sự kiểm sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát, tiến hành các biện pháp thu thập thông tin, chứng cứ, để xác định các tình tiết của vụ án và người thực hiện hành vi phạm tội.
Giai đoạn này bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố của cơ quan tiến hành tố tụng và kết thúc bằng kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố bị can trước Toà án hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án hình sự.
Theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị và Viện Kiểm sát ra Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự theo quy định.
Tùy theo vụ án, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bao gồm: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Các hoạt động điều tra vụ án hình sự sẽ bao gồm: Khởi tố bị can và hỏi cung bị can. Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng.
Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật. Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra. Giám định và định giá tài sản.
Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc ra Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Bước 4: Giai đoạn truy tố
Sau giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát.
Truy tố là chức năng quan trọng của Viện kiểm sát nhằm kiểm tra, đánh giá toàn bộ nội dung, xác định sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội trên cơ sở hồ sơ và tài liệu chứng cứ kèm theo do Cơ quan điều tra chuyển đến.
Kết thúc, Viện Kiểm sát ra các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.
Bước 5: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Là giai đoạn Tòa án có thẩm quyền thực hiện xét xử trên cơ sở kết quả quá trình điều tra, bản cáo trạng của Viện kiểm sát và tranh tụng tại tòa.
Khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang như quy định tại Điều 276 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, giai đoạn xét xử sơ thẩm được bắt đầu. Trình tự xét xử tại phiên tòa bao gồm: Bắt đầu chuẩn bị khai mạc, xét hỏi, tranh luận trước tòa, nghị án và tuyên án.
Quá trình xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục, chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa ra xét xử.
Khi kết thúc, hội đồng xét xử ra bản án hoặc các quyết định theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án các cấp như quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Bước 6: Xét xử phúc thẩm án hình sự
Theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Người có quyền kháng cáo xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là: Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Bước 7: Thi hành bản án và quyết định của Tòa án
Giai đoạn thi hành bản án và quyết định của Tòa án được thực hiện sau xét xử, khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Công việc này do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định.
Việc thực hiện sẽ giao cho cơ quan thi hành án hình sự thực hiện nhằm bảo đảm cho bản án và quyết định có hiệu lực của Tòa án được thi hành một cách chính xác, kịp thời.
Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Chỉ có những bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mới được đưa ra thi hành, trừ trường hợp bản án tuyên một người là không phạm tội hoặc tuyên một hình phạt bằng hoặc thấp hơn thời hạn họ bị tạm giam. Việc thi hành các loại hình phạt phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Để bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trường hợp các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện ra sai lầm về pháp luật và phát hiện ra tình tiết mới thì được xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm quy định tại Điều 370 và tái thẩm quy định tại Điều 397 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Tái thẩm là quá trình xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó theo quy định tại Điều 398 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ sau:
- Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.
- Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
- Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.
- Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 401 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
- Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
- Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
- Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Các thủ tục về tái thẩm được thực hiện theo các quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Qua bài viết này, chúng tôi đã giúp quý bạn đọc hình dung rõ hơn về quy trình tố tụng hình sự. Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com