Quyết Định Số 10632021/QĐ-PQTT Về Việc Yêu Cầu Hủy Phán Quyết Trọng Tài Do Thủ Tục Tố Tụng Trọng Tài Trái Với Quy Định

Vania Van

Bên yêu cầu:   Công ty TNHH A

Bên liên quan:  Công ty Cổ phần XL và VTXD B

V/v: Yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài do thủ tục tố tụng trọng tài trái với quy định

 

Nội dung vụ việc

Ngày 05/12/2016, Công ty TNHH A (Công ty A) và Công ty Cổ phần XL và VTXD B (Công ty B) ký kết Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 11/2016/XL2. Ngày 18/02/2017, hai bên ký thêm Phụ lục Hợp đồng về việc thi công phần hoàn thiện (gọi chung là Hợp đồng). Tổng giá trị Hợp đồng là 19.590.779.262 đồng. Trong quá trình thực hiện Công ty A cho rằng công ty B thi công không đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình nên ngày 18/07/2017, Công ty A yêu cầu Công ty B tạm dừng thực hiện việc thi công theo Hợp đồng để tìm phương án khắc phục.

Ngày 20/09/2017, Công ty A gửi cho Công ty B công văn số 200917/TB thông báo đơn phương chấm dứt Hợp Đồng lý do công ty B thi công chậm tiến độ và không đạt chất lượng.

Ngày 22/12/2017, Công ty khởi kiện Công ty A tại Tòa án nhân dân Thành phố Đà Lạt, yêu cầu thanh toán tiền đối với khối lượng công việc đã thực hiện nhưng chưa thanh toán.

Ngày 24/12/2019 TAND Thành phố Đà Lạt ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án do các bên đã có thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định phúc thẩm số 01/2020 ngày 23/3/2020 của TAND Tỉnh Lâm Đồng giữ nguyên quyết định đình chỉ của TAND Thành phố Đà Lạt.

Ngày 22/6/2020, Công ty B nộp đơn khởi kiện Công ty A tại Trung tâm Trọng tài Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh (Tracent), yêu cầu Công ty A phải trả cho Công ty B các khoản tiền: Phần giá trị khối lượng công việc chưa thanh toán là 4.778.890.130 đồng. Số tiền bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện Hợp Đồng là 3.585.530.516 đồng và Tiền lãi chậm trả là 2.699.759.990 đồng. Ngày 09/9/2020, Công ty A có đơn yêu cầu kiện lại yêu cầu Công ty B thanh toán 1.500.000.000 đồng tiền phạt vi phạm tương đương với 50 ngày chậm tiến độ hoàn thành công trình.

Phán quyết trọng tài 04/2021/PQ-TT ngày 27/05/2021 của Trung tâm Trọng tài Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh (Tracent).  Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B và chấp nhận một phần yêu cầu kiện lại của Công ty A. Buộc Công ty A trả cho Công ty B số tiền là 7.571.737.937 đồng. Buộc Công ty B trả cho Công ty A số tiền là 1.200.000.000 đồng.Cấn trừ qua lại hai khoản trên, buộc Công ty A phải trả cho Công ty B số tiền là 6.371.737.937 đồng.

Không đồng ý, Công ty A yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 04/2021/PQ-TT với các lý do: Thủ tục tố tụng trọng tài trái với các qui định của Luật Trọng tài thương mại và với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt. Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp khi đã hết thời hiệu khởi kiện. Vụ việc vượt quá phạm vi thẩm quyền xét xử của Hội Đồng Trọng Tài. Hội đồng trọng tài đã sử dụng tài liệu không có giá trị để làm chứng cứ đưa ra kết luận trong phán quyết.  Hội đồng trọng tài vi phạm nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên trong quá trình xét xử và vi phạm nguyên tắc công bằng, tạo điều kiện cho các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 khi không đưa ra các giải thích đầy đủ về các quyền của Công ty A, dẫn đến Công ty A không được đảm bảo các quyền của mình theo luật định trong phán quyết của Trọng tài.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân. Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do Hội đồng trọng tài vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trọng tài do đã hết thời hiệu khởi kiện nêu trong đơn yêu cầu của Công ty TNHH A và lời trình bày tại phiên họp của người yêu cầu là có cơ sở. Do đó, đề nghị Hội đồng xét đơn yêu cầu áp dụng điểm b Khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại, chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty TNHH A vì không còn thời hiệu khởi kiện tại Trọng tài.


Nhận định của Tòa án 

Đây là việc dân sự về yêu cầu kinh doanh thương mại liên quan đến việc trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp, nơi Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết trọng tài là Thành phố Hồ Chí Minh. Yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và còn trong thời hiệu xem xét giải quyết  theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài Thương mại nên được chấp nhận. Công ty B và Công ty A đã tự nguyện thỏa thuận tại Điều 22.2 của Hợp Đồng nếu phát sinh tranh chấp thì cơ quan giải  quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Tracent) nhưng Công ty B lại khởi kiện vụ án đến Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt để yêu cầu giải quyết tranh chấp là không đúng với thỏa thuận của các bên.  Công ty B nộp đơn khởi kiện công ty A tại TRACENT đã hết thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Hội đồng trọng tài chấp nhận lời trình bày của Công ty B cho rằng dù thời hiệu khởi kiện tại Trọng tài là 2 năm thì vụ kiện vẫn còn thời hiệu do thời gian Công ty B khởi kiện Công ty A tại Tòa án nhân dân Thành phố Đà Lạt không tính vào thời hiệu khởi kiện do đây là trở ngại khách quan là không có cơ sở vì việc Công ty B khởi kiện tại Tòa án nhân dân Thành phố Đà Lạt không được coi là thời gian không tính vào thời hiệu theo quy định của luật tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Các bên đều thống nhất xác định ngày 20/9/2017 là thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện, đến ngày 22/6/2020 Công ty B mới nộp đơn khởi kiện Công ty A tại Tracent là đã hết thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo quy định tại Điều 33 Luật Trọng tài Thương mại và Điều 11 Quy tắc tố tụng của Tracent.  Do đó Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 04/2021/PQ-TT đã vi phạm quy định tại Điều 33 Luật Trọng tài Thương mại và Điều 11 Quy tắc tố tụng của Tracent.

Với các nội dung cho rằng Hội đồng trọng tài chấp nhận xét xử, đưa ra phán quyết đối với yêu cầu của Công ty B về khoản tiền bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo các cam kết bảo lãnh đưa ra với Công ty A. là phạm vi của thỏa thuận, vượt quá phạm vi. Sử dụng kết quả giám định của Trung tâm Kiểm định – Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng làm chứng cứ để giải quyết tranh chấp là không có căn cứ.

Xét lý do cho rằng Hội đồng trọng tài không xem xét thỏa thuận tại Điều 17 của Hợp đồng với nội dung chủ đầu tư là Công ty A có quyền thu lại từ nhà thầu các chi phí sửa chữa và các chi phí khác trước khi thanh toán khoản tiền còn lại, không yêu cầu Công ty A phải bổ sung yêu cầu kiện lại là vi phạm nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên để cho rằng phán quyết đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nội dung này không thuộc phạm vi xét xử của Tòa án. Không có cơ sở để cho rằng phán quyết trọng tài đã ban hành phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam như lời Công ty A.

Từ những phân tích trên, nhận thấy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 04/2021/PQ-TT ngày 27 tháng 5 năm 2021 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vào một trong các trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy do thủ tục tố tụng trọng tài trái với các qui định của Luật trọng tài theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 .

 

Quyết định của Tòa án 

Hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 04/2021/PQ-TT ngày 27 tháng 5 năm 2021 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh giữa Công ty B và Công ty TNHH A.

 

Cơ sở pháp lý

Điều 414, Điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 68, Điều 71 và Điều 72 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010.