Quyết Định Số 16.2019.QĐKDTM-ST. Yêu Cầu Công Nhận Và Cho Thi Hành Tại Việt Nam Phán Quyết Của Trọng Tài Nước Ngoài
Quyết định số: 16.2019/QĐKDTM-ST
Bên yêu cầu: Công ty U, Philippines.
Bên liên quan: Công ty Cổ phần Thép D
V/v: Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán của Trọng tài nước ngoài
Nội dung sự việc
Ngày 12/06/2017, Công ty U tại Philippines và Công ty Cổ phần Thép D có trụ sở tại Việt Nam ký kết Hợp đồng mua bán 6000 tấn thép billeet cao cấp với giá trị hợp đồng là 2,43 triệu USD. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Thép D không giao hàng theo đúng số lượng cũng như không đúng thời hạn ghi trong Hợp đồng mua bán. Giữa hai bên phát phát sinh tranh chấp.
Theo thỏa thuận ký kết tại hợp đồng, mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình mua bán sẽ được giải quyết bằng trọng tài theo quy tắc hòa giải và trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế bởi một hội đồng gồm ba trọng tài viên được chỉ định theo quy tắc hòa giải và trọng tài. Ngày 28/12/2017, Công ty U nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế (ICC). Vào thời điểm nộp đơn, Quy tắc trọng tài của Tòa án Trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế được áp dụng là Bộ Quy tắc năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/3/2017. Tranh chấp giữa Công ty U và Công ty Cổ phần Thép D được giải quyết tại Phán quyết của ICC.
Phán quyết số 23329/PTA/ASB/HTG ngày 19/10/2018 của ICC và Phụ lục của Phán quyết 23329/PTA/ASB/HTG ngày 11/12/2018. Yêu cầu Công ty Thép D bồi thường các thiệt hại mà Công ty U yêu cầu. Sau khi Phán quyết được thành lập, Công ty U gửi yêu cầu đến Tòa án nhân thành phố Đà Nẵng, yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết Hồ sơ vụ kiện số 23329/PTA/ASB/HTG ngày 19/10/2018 và Phụ lục của Phán quyết 22329/PTA/ASB/HTG ngày 11/12/2018 của Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế (ICC).
Nhận định của Tòa án
Phán quyết 22329/PTA/ASB/HTG ngày 11/12/2018 được ban hành bởi Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế (ICC), địa điểm trọng tài là nước Cộng hòa Singapo, được Tòa án xác định là phán quyết Trọng tài nước ngoài, theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại và Điều 424 Bộ luật Tố tụng dân sự. Việt Nam không có điều ước song phương với Singapore về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam có tham gia Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài của Liên hiệp quốc được thông qua tại New York ngày 10/6/1958, theo Quyết định số 453/QĐ – CTN ngày 28/7/1995 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ước New York 1958). Nước Cộng hòa Singapo cũng là thành viên của Công ước New York 1958. Vì vậy, Tòa án áp dụng Công ước này để xem xét yêu cầu của Công ty U. Tòa án cũng áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Trọng tài thương mại 2010 để xem xét, giải quyết.
Phán quyết Hồ sơ vụ kiện số 23329/PTA/ASB/HTG ngày 19/10/2018 và Phụ lục của Phán quyết 3 23329/PTA/ASB/HTG ngày 11/12/2018 của Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) về hình thức tài liệu là phù hợp với quy định tại Điều 4 Công ước New York 1958. Xét nội dung phán quyết phù hợp với pháp luật nội dung của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại phiên họp, đại diện D cũng không phản đối nội dung phán quyết. Hội đồng xét thấy việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết Hồ sơ vụ kiện số 23329/PTA/ASB/HTG ngày 19/10/2018 và Phụ lục của Phán quyết 23329/PTA/ASB/HTG ngày 11/12/2018 của Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) là phù hợp, không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xét các điều kiện công nhận và cho thi hành phán quyết. Tại Điều 13 Hợp đồng này có thỏa thuận về trọng tài thương mại, cụ thể: Hợp đồng này thuộc thẩm quyền tài phán của trọng tài quốc tế…tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trong tài theo quy tắc hòa giải và trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế bởi một hội đồng gồm ba trọng tài viên được chỉ định theo quy tắc hòa giải và trọng tài này. Địa điểm trọng tài sẽ được tiến hành tại Singapore”. Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận về ngôn ngữ trọng tài, tính chung thẩm của phán quyết trọng tài, giá trị hiệu lực, giải thích và thực thi được điều chỉnh bởi pháp luật Singapore. Như vậy, các bên có thỏa thuận về trọng tài thương mại được bằng văn bản. Đồng thời, thỏa thuận này là rõ ràng, đầy đủ, không bị hủy bởi Tòa án Singapore, đồng thời không thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại. Mặt khác, Phán quyết giải quyết tranh chấp được các bên yêu cầu và không vượt quá thỏa thuận trọng tài là phù hợp với quy định tại Điều 12 Luật Trọng tài thương mại. Tại phiên họp, Công ty D xác nhận đã biết và không phản đối một trọng tài tiến hành tố tụng. Do đó, việc một trọng tài ban hành Phán quyết 23329 là phù hợp. Nội dung phán quyết phù hợp không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng. Chấp nhận yêu cầu của Công ty U, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết số 23329/PTA/ASB/HTG ngày 19/10/2018 và Phụ lục của Phán quyết 23329/PTA/ASB/HTG ngày 11/12/2018.
Quyết định của Tòa án
Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết Hồ sơ vụ kiện số 23329/PTA/ASB/HTG ngày 19/10/2018 và Phụ lục của Phán quyết 23329/PTA/ASB/HTG ngày 11/12/2018 của Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) về việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng mua bán phôi thép cao cấp số DNY-UNI-12.06.2017 ngày 12/6/2017 được ký kết giữa Công ty U, địa chỉ: Punturin, Thành phố Valenzuela, Philippines với Công ty Cổ phần Thép D, phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Căn cứ pháp lý
Điều 4 và Điều 5 Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài của Liên hiệp quốc được thông qua tại New York ngày 10/6/1958; khoản 5 Điều 31, điểm e khoản 2 Điều 39 và điểm a, b khoản 1, khoản 3 Điều 424, Điều 459 Bộ luật Tố tụng dân sự. Khoản 12 Điều 3, Điều 12 và Điều 18 Luật Trọng tài thương mại; Quy tắc trọng tài của Tòa án Trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế năm 2017. Điều 74 và 86 của Bộ luật Dân sự 2015; Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014; Khoản 1 Điều 34, khoản 1 Điều 37, khoản 2 Điều 41, Điều 300, Điều 301 và Điều 302 Luật Thương mại. Điều 37 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.