Quyết Định Số 1768/QĐ-PQTT Về Việc Yêu Cầu Hủy Phán Quyết Trọng Tài Do Giấy Ủy Quyền Không Hợp Pháp Hóa Lãnh Sự

Vania Van

Quyết định số: 1768/QĐ-PQTT

Bên yêu cầu: Công ty TNHH Chunghwa Telecom Việt Nam

Bên liên quan: Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez

V/v: Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do giấy ủy quyền không hợp pháp lãnh sự

 

Nội dung vụ việc

Ngày 25 tháng 9 năm 2016, Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez (Công ty Tai Seng) và Công ty TNHH Chunghwa Telecom Việt Nam (Công ty Chunghwa) xác lập Hợp đồng dịch vụ hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời tại Đặc khu kinh tế Tai Seng số HCMR-2016-0008 để thiết lập hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời trong Đặc khu kinh tế Tai Seng tại Campuchia nhằm cung cấp điện cần thiết cho Công ty Tai Seng. Hai bên thống nhất Công ty Tai Seng cung cấp đất, Công ty Chunghwa cung cấp hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời cho Công ty Tai Seng, Công ty Tai Seng được mua điện từ hệ thống của Công ty Chunghwa với giá ấn định trước và sẽ được quyền sở hữu hệ thống điện sau 25 năm mà không phải trả khoản tiền nào. 

Quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên phát sinh mâu thuẫn. Công ty Tai Seng cho rằng Công ty Chunghwa không thực hiện đúng các cam kết đã nêu trong hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Công ty Tai Seng và khởi kiện Công ty Chunghwa ra Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VIAC), yêu cầu bồi thường: Tổn thất do mua điện của Công ty Điện Lực Campuchia với giá cao hơn các bên thỏa thuận trong hợp đồng là 40.840 USD/năm, tổn thất trong 25 năm là: 25 năm x 40.840USD = 1.021.500 USD.  Tổn thất do Công ty Chunghwa cam kết cung cấp điện cho Đặc khu kinh tế Tai Seng là 25 năm x 92.928 USD = 2.323.200 USD.  Tiền thuê đất trong 25 năm tại Đặc khu kinh tế Tai Seng là: 25 năm x 90.450 USD = 2.261.250 USD.  Phí luật sư: 270.000 đồng.  Chi phí máy bay, lưu trú, photo cho viêc kiện là 74.234.274 đồng.

Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 44/18 HCM của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lập ngày 05 tháng 6 năm. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Tei Seng, buộc Công ty Chunghwa phải bồi hoàn cho Công ty Tei Seng các chi phí sau: Tiền thiệt hại 61.290 USD; Phí luật sư 170.000.000 đồng tương đương 7.279 USD; phí trọng tài 1.754.125.000 đồng tương đương 75.107 USD; Chi phí hợp lý khác 74.234.274 đồng
tương đương 3.178,52 USD. Trong trường hợp chậm thanh toán các khoản tiền nêu trên, Công ty Chunghwa phải chịu lãi suất 10%/năm tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả. Không chấp nhận các yêu cầu còn lại của Công ty Tei Seng.

Không đồng ý với phán quyết trọng tài, Công ty Chunghwa khởi kiện kêu cầu hủy phán quyết với lý do: Giấy ủy quyền ngày 15/06/2018 của Tai Seng Seng cho ông Phạm Đức Toàn tham gia tố tụng trọng tài tại VIAC không được hợp pháp hoá lãnh sự, vì vậy, giấy uỷ quyền này không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam về việc Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu nước ngoài căn cứ Nghị định số 111/2011/NĐ-CP. Tại Điều 22 Hợp đồng số HCMR–2016-008 ngày 25/09/2016 giữa Chunghwa và Tai Seng có thỏa thuận rằng mọi tranh chấp phát sinh sẽ phải được hai bên tiến hành thỏa thuận trước để giải quyết ổn thỏa. Nếu không đạt được thỏa thuận thì có thể nhờ các đơn vị có liên quan của Việt Nam hòa giải trước, nếu hòa giải không được thì sẽ nhờ cơ quan trọng tài của Việt Nam, Campuchia hoặc bên thứ ba tiến hành phân xử.  Trọng tài viên và Hội đồng Trọng tài của VIAC đã không tôn trọng thỏa thuận này khi các bên chưa tiến hành hòa giải nhưng đã tiến hành thụ lý giải quyết tranh chấp.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tp. HCM. Giấy ủy quyền ngày 15/6/2018 của Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez cho ông Phạm Đức Toàn tham gia tố tụng trọng tài tại VIAC không được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ. Vì vậy, không đủ điều kiện để công nhận và sử dụng tại Việt Nam. căn cứ Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010, đề nghị hủy Phán quyết trọng tài số 44/18 HCM của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lập ngày 05 tháng 6 năm 2019 giữa Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez và Công ty TNHH Chunghwa Telecom Việt Nam.

 

Nhận định của Tòa án

Tại đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ngày 11/7/2019, tại bản tự khai và tại phiên họp, đại diện Công ty TNHH Chunghwa Telecom Việt Nam cho rằng Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 44/18 HCM ngày 05/6/2019 trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể Giấy ủy quyền ngày 15/6/2018 của Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez cho ông Phạm Đức Toàn tham gia tố tụng trọng tài tại VIAC không được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ, nhưng Hội đồng trọng tài chấp nhận Giấy ủy quyền là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là có cơ sở.

Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ quy định: “Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam”. Và tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ quy định: “Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các Giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này”. Giấy ủy quyền ngày 15/6/2018 của Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez cho ông Phạm Đức Toàn hoặc ông Phạm Văn Song do ông Ly Hongsinh là đại diện theo pháp luật ký tên và đóng dấu Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez tại Campuchia không được hợp pháp hóa lãnh sự. Mặt khác, Giấy ủy quyền ngày 15/6/2018 không thuộc các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP. Cho nên Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 44/18 HCM ngày 05/6/2019 trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Phán quyết của Trọng tài vụ tranh chấp số số 44/18 HCM cũng đã vi phạm khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài Thương mại.  Thỏa thuận trọng tài tại Hợp đồng số HCMR -2016-0008 ngày 25/9/2016 không chỉ rõ hình thức trọng tài và không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, nhưng các bên chưa thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp mà Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez tiến hành khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và VIAC thụ lý giải quyết vụ kiện nói trên là không đúng theo quy định. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.

 

Quyết định của Tòa án

Hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 44/18 HCM của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lập ngày 05 tháng 6 năm 2019 giữa Nguyên đơn là Công ty TNHH Tai Seng Bavet Sez và bị đơn là Công ty TNHH Chunghwa Telecom Việt Nam.

 

Cơ sở pháp lý

Khoản 2 Điều 31, Điều 367, Điều 370, Khoản 3 Điều 414 và Điều 415 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 7, 68,71, 72 Luật Trọng tài Thương mại 2010.