Quyết Định Số 754/2019/QĐ-PQTT Về Việc Yêu Cầu Hủy Phán Quyết Trọng Tài Do Vượt Quá Phạm Vi Của Thỏa Thuận

Vania Van

Quyết định số: 754/QĐ-PQTT

Bên yêu cầu: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư H V

Bên liên quan: Công ty TNHH Một thành viên M

V/v Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do giải quyết vượt quá phạm vi của thoả thuận

 

Nội dung vụ án

Ngày 01/8/2016, Công ty TNHH Một thành viên M (Công ty M) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư H V (Công ty H V) ký Hợp đồng nguyên tắc và 05 phụ lục hợp đồng về việc thuê lại Tòa nhà số 147 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đã thỏa thuận tại Hợp đồng nguyên tắc, Công ty M chuyển tiền đặt cọc cho Công ty H V 12.666.780.000 đồng. Do Công ty H V không hoàn thành các Điều kiện tiên quyết tại Điều 2 Hợp đồng nguyên tắc, Công ty Marc khởi kiện Công ty H V ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo vụ tranh chấp số 20/18. Sau đó, Công ty H V cũng khởi kiện lại Công ty M tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trong vụ tranh chấp số 50/18 HCM, yêu cầu Công ty M chia sẻ chi phí phát sinh từ việc Công ty H V thực hiện các công việc nêu trong hợp đồng nguyên tắc là 7.028.310.479 đồng. Trên cơ sở thỏa thuận của các bên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã gộp vụ tranh chấp số 50/18 HCM vào vụ tranh chấp số 20/18 HCM.

 

Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 20/18 HCM ngày 18/10/2018 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).  Chấp nhận toàn bộ yêu cầu trong đơn khởi kiện của Công ty M và chấp nhận một phần yêu cầu trong đơn khởi kiện của Công ty H V.  Công ty H V phải trả cho Công ty M số tiền đặt cọc sau khi đã cấn trừ số tiền Công ty M chia sẻ chi phí thực hiện hợp đồng nguyên tắc là 10.419.302.751 đồng. Buộc Công ty H V phải hoàn trả cho Công ty M tiền phí trọng tài sau khi đã cấn trừ là 341.748.209 đồng. Trong trường hợp chậm thanh toán, Công ty H V phải trả thêm tiền lãi theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015. Mức lãi suất là 10%, tương ứng với số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

Không đồng ý, ngày 12/11/2018, Công ty H V gửi đơn yêu cầu Tòa án hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 20/18 HCM lập ngày 18/10/2018 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với lý do Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của Pháp luật Việt Nam, có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, cụ thể: Công ty M chỉ yêu cầu Công ty H V trả lại số tiền đặt cọc là 12.666.780.000 đồng. Công ty H V yêu cầu Công ty M thanh toán chi phí phát sinh từ việc Công ty H V thực hiện các công việc liên quan đến Hợp đồng nguyên tắc với số tiền 7.028.310.479 đồng. Nhưng Hội đồng trọng tài cho rằng Công ty M còn bị khoản tiền tổn thất là khoản tiền lãi trong thời hạn 02 năm của khoản tiền đặt cọc là 2.533.356.000 đồng.  Công ty M chỉ yêu cầu giải quyết vấn đề về tiền đặt cọc nhưng Hội đồng trọng tài lại giải quyết thêm vấn đề về tiền lãi. Việc Hội đồng trọng tài buộc Công ty H V gánh chịu một phần tổn thất mà Công ty M không yêu cầu là vượt quá yêu cầu khởi kiện của Công ty M. Điều này đối chiếu với Khoản 1 và 2 Điều 3 Bộ luật dân sự thì Phán quyết này không bảo đảm cam kết, thỏa thuận và yêu cầu của các bên trong vụ tranh chấp.

 

Bên liên quan là Công ty TNHH Một thành viên M. Yêu cầu hủy phán quyết của Công ty H V không có căn cứ, bởi lẽ: Tại Điều 6.2 của Hợp đồng Nguyên tắc thì thỏa thuận trọng tài hoàn toàn có hiệu lực, không thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu được quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 và Điều 3, 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014. Công ty H V đề nghị Công ty M chia sẻ rủi ro khi thực hiện hợp đồng nguyên tắc. Tại Phán quyết, Hội đồng trọng tài đã dựa vào lẽ công bằng để cân nhắc chấp nhận toàn bộ hay một phần yêu cầu của Công ty H V. Điều này hoàn toàn phù hợp với Điều 6 Bộ luật Dân sự và không trái với các nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015. Thực tế Công ty H V đã quá có lợi khi được Trọng tài tuyên Công ty M phải chia sẻ thiệt hại với Công ty H V, bởi vì các khoản thiệt hại mà Công ty H V yêu cầu tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã được chấp nhận.

 

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Về thủ tục tố tụng, Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nói trên là đúng thẩm quyền. Đề nghị giữ nguyên Phán quyết trọng tài số 20/18 HCM của Hội đồng Trọng tài Quốc tế Việt Nam lập ngày 18/10/2018 giữa Công ty TNHH Một thành viên Mvà Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư H V.

 

Nhận định của Tòa án

Công ty H V cho rằng Phán quyết trọng tài số 18/20 HCM lập ngày 18/10/2018 trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Cụ thể Công ty M chỉ yêu cầu Công ty H V hoàn trả tiền đặt cọc là 12.666.780.000 đồng, Công ty H V yêu cầu Công ty M thanh toán chi phí phát sinh từ việc Công ty H V thực công việc liên quan đến hợp đồng nguyên tắc với số tiền là 7.028.310.000 đồng. Nhưng Hội đồng trọng tài giải quyết phần tổn thất của Công ty M là khoản tiền lãi với thời gian là 02 năm của số tiền đặt cọc là 2.533.356.000 đồng là vi phạm yêu cầu của các bên và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015. Vì vậy, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 20/18 HCM của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).  Công ty M không đồng ý với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty H V hoàn toàn phản đối việc Công ty H V đưa ra các lý do để yêu cầu tòa án tuyên hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 20/18 HCM ngày 18/102018 là thỏa thuận vô hiệu và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là không có cơ sở quy định của pháp luật.

Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 20/18 HCM trái với 2 nguyên tắc: Thứ 1: Điều 4.1 Luật trọng tài thương mại: “Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu sự thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội”. Công ty M và Công ty H V không có bên nào yêu cầu giải quyết phần tiền lãi, nhưng Chủ tịch Hội đồng trọng tài tự đưa ra và tự giải quyết khoản tiền lãi của số tiền Công ty M chuyển cho Công ty H V 2.533.356.000 đồng là tổn thất của Công ty M. Thứ 2: Điều 3.2 Bộ luật dân sự năm 2015: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.” Giữa Công ty M và Công ty H V thỏa thuận không yêu cầu giải quyết về phần tiền lãi, việc thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của pháp luật thì Hội đồng trọng tài phải tôn trọng sự thỏa thuận của đôi bên nhưng Hội đồng trọng tài xem xét phần tiền lãi trên số tiền của Công ty M đặt cọc cho Công ty H V là trái với nguyên tắc cơ bản đựơc quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Chủ tịch Hội đồng trọng tài tự đưa ra và tự quyết định tính lãi 02 năm cho Công ty M gây tổn thất cho Công ty HV là giải quyết vượt quá phạm vi của thoả thuận đưa ra trọng tài giải quyết. Yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư H V là có cơ sở.

 

Quyết định của toà án

Hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 20/18 HCM của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lập ngày 18 tháng 10 năm 2018 giữa Công ty TNHH Một thành viên M đơn và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư H V.

 

Căn cứ pháp lý

Khoản 2 Điều 31, Điều 367, Điều 370, Khoản 3 Điều 414 và Điều 415 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 7, 68,71, 72 Luật Trọng tài Thương mại 2010; 1.. 2. Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.