Rủi Ro Trong Giao Dịch Trái Phiếu Doanh Nghiệp – Góc Nhìn Từ Vụ Án Tân Hoàng Minh

Stephen Le

Trong những năm vừa qua, Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ. Đây trở thành một kênh huy động vốn nhanh chóng của doanh nghiệp, cũng như trở thành một trong các kênh đầu tư hấp dẫn đối với các tổ chức và cá nhân.

Theo thống kê, dư nợ Trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm 21/7/2023 khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Ngay cả trong 2 năm (2020-2021) xảy ra đại dịch COVID-19, số lượng dự án bất động sản được cấp phép mới không đáng kể, song các doanh nghiệp vẫn phát hành lượng trái phiếu với số lượng lớn. Riêng năm 2021, lượng trái phiếu mà các doanh nghiệp bất động sản phát hành lên tới 9 tỷ USD.

Thế nhưng, đường đi của dòng tiền này vẫn là một ẩn số, bởi không có quy định chặt chẽ trong kiểm soát dòng tiền trái phiếu. Bơm tiền cho doanh nghiệp vay vốn, hàng vạn nhà đầu tư không biết tài sản của mình đang được doanh nghiệp sử dụng vào mục đích gì. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng những lỗ hổng trong quy định pháp luật và công tác quản lý để thực hiện các hành vi trái pháp luật, chiếm đoạt tiền mua trái phiếu của nhà đầu tư.

Trong năm 2022, Bộ Công an đã khởi tố nhiều vụ án cùng nhiều bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại các công ty, tập đoàn lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phiếu như: Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đối với công ty Tân Hoàng Minh. Theo đó, trong giai đoạn năm 2021 đầu năm 2022, các bị can đã chỉ đạo, sử dụng pháp nhân 03 công ty gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng “khống”, không có thật giữa nội bộ các công ty trong Tập đoàn, để làm phương án phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ. Thông đồng với các bị can, đối tượng tại Công ty Kiểm toán để kiểm toán, hợp thức số liệu, “làm đẹp” Báo cáo tài chính năm 2020 – 2021 của các công ty, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần trái Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam để hợp thức cho các công ty có đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định.

Ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc thanh toán tiền từ công ty Tân Hoàng Minh sang công ty phát hành, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu và trái chủ cho công ty Tân Hoàng Minh, để bán trái phiếu rộng rãi cho người dân (lách quy định chuyển nhượng trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp) nhằm huy động, rồi chiếm đoạt, sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu; làm trái các quy định tại khoản 1, Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2, Điều 5 Nghị định 153/2020.

Sau khi hợp thức hồ sơ, phương án phát hành và thanh toán “khống” để trở thành trái chủ sơ cấp, công ty Tân Hoàng Minh đã bán trái phiếu, huy động được tổng số tiền trên 13 nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư trái pháp luật. Toàn bộ số tiền bán trái phiếu, công ty Tân Hoàng Minh sử dụng không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu. Trong số đó sử dụng 5.165.280.069.550 đồng tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư đến hạn trước. Tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án còn chiếm đoạt 8.807.257.095.520 đồng của 6.631 khách hàng riêng lẻ được xác định là bị hại trong vụ án.

Từ vụ án trên, có thể nhận thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, thị trường này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro liên quan đến các chủ thể tham gia cũng như những lỗ hổng từ các quy định dễ bị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lợi dụng để chiếm dụng vốn hoặc chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp và các quy định liên quan.

Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, của Chính phủ quy định: Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Như vậy, Trái phiếu doanh nghiệp là phương thức để công ty huy động nguồn vốn. Việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu. Về bản chất, trái phiếu là chứng chỉ ghi nhận nợ của tổ chức phát hành và quyền sở hữu đối với một phần vốn vay của chủ sở hữu. Người sở hữu trái phiếu không phải là thành viên hay cổ đông của công ty, mà họ trở thành chủ nợ của công ty, được công ty phát hành trả lãi định kì, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và có kỳ hạn từ 01 năm trở lên.

Việc chào bán, giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ.

Theo đó, Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu là các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Đối tượng được mua trái phiếu riêng lẻ là Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 11 Luật chứng khoán.

Việc chào bán, giao dịch trái phiếu phải đảm bảo tuân thủ về điều kiện, quy trình, hồ sơ, phương án phát hành, đăng ký lưu ký, giao dịch, công bố thông tin… theo quy định của Pháp luật.

Tuy nhiên, thực tiễn các vụ án, vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường trái phiếu, cho thấy có nhiều lỗ hổng trong quy định và công tác quản lý cần phải được sửa đổi, bổ sung để hoạt động này diễn ra lành mạnh, an toàn.

Các rủi ro, lỗ hổng trong chào bán, giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp.

Tổ chức phát hành trái phiếu và các đơn vị liên quan như kiểm toán, thẩm định giá, ngân hàng… có thể cấu kết thực hiện hành vi hợp thức hóa hồ sơ, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, chạy dòng tiền khống để hợp thức hóa điều kiện, phương án phát hành và tạo lập giá trị ảo của trái phiếu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn, dù tình hình tài chính còn yếu, có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán lãi và gốc khi trái phiếu đến hạn.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự.

Ngược lại, một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cố tình lách quy định chuyển nhượng trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, tư vấn mập mờ cho khách hàng, để bán trái phiếu rộng rãi cho người dân, khiến họ vô tình trở thành trái chủ bất đắc dĩ.

Nhà đầu tư cần chú ý gì khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Khi quyết định đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ và lưu ý một số nội dung sau:

Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Nhà đầu tư tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu. Do đó, Nhà đầu tư cần nghiên cứu tìm hiểu kỹ về hoạt động sản xuất kinh doanh, tiềm lực tài chính, tài sản đảm bảo… của doanh nghiệp trước khi quyết định mua trái phiếu.

Nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua Trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bên bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào với nhà đầu tư.

Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi) để đánh giá rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Ngoài ra, Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết “Hợp đồng đầu tư trái phiếu” với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.

Các nội dung cần thực hiện để hoàn thiện Văn bản pháp luật và công tác quản lý giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, hoàn thiện quy trình tổ chức, giám sát, đảm bảo Trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch công khai, minh bạch; có biện pháp kiểm tra, xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cần ban hành các quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với hoạt động của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá cũng như kiểm toán viên và thẩm định viên trong các hoạt động liên quan đến trái phiếu.

Cần có biện pháp, quy định để nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của các công ty chứng khoán trong việc phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Các ngân hàng thương mại cần quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ để phòng ngừa vi phạm.

Cần bổ sung quy định báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu và phải có biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu, phòng ngừa hành vi tạo khống dòng tiền giao dịch để hợp thức phương án phát hành và tạo lập giá trị ảo của trái phiếu, bảo đảm dòng tiền trái phiếu được sử dụng đúng mục đích trong phương án phát hành trái phiếu.

Cần quy định, hướng dẫn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tài sản đảm bảo, nguyên tắc xác định giá trị tài sản đảm bảo, trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá và quản lý tài sản đảm bảo; yêu cầu mọi hoạt động mua bán, giao dịch trái phiếu dưới mọi hình thức phải được quản lý, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và tuân thủ các quy định pháp luật.

Nhìn chung, Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, không lo ngại biến động giá thị trường như đối với cổ phiếu, lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Đây cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả để giải quyết nhu cầu về vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất cập như đã phân tích ở trên. Do đó, để hoạt động này diễn ra lành mạnh, hiệu quả, đảm bảo  quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về các quy định pháp luật liên quan cũng như tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua trái phiếu.

Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  info@letranlaw.com