Tăng Mức Lương Tối Thiểu Vùng Năm 2018

Hannah Huynh

Ngày 07/8/2017, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% (thấp hơn mức tăng năm 2017 là 7,3%). Dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ LĐTBXH cũng đã soạn thảo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động – dự kiến áp dụng từ ngày 01/01/2018 (“Dự thảo Lương Tối thiểu Vùng”). Theo đó, mức lương tối thiểu vùng dự kiến của năm 2018 như sau:

•  Vùng I: 3.980.000 Đồng (tăng 230.000 Đồng so với năm 2017);

•  Vùng II: 3.530.000 Đồng (tăng 210.000 Đồng so với năm 2017);

•  Vùng III: 3.090.000 Đồng (tăng 190.000 Đồng so với năm 2017); và

•  Vùng IV: 2.760.000

Đồng (tăng 180.000 Đồng so với năm 2017).

Mặc dù mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được quyết bởi Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nhưng mức tăng này vẫn chưa làm hài lòng của cả hai phía là người lao động và người sử dụng lao động. Trong các cuộc họp liên quan đến việc tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (“VCCI”) – đại diện cho phía người sử dụng lao động thể hiện quan điểm rằng việc tăng lương cho người lao động cần dựa vào năng suất lao động, khả năng cống hiến của người lao động và mức độ phát triển kinh tế xã hội, người lao động không nên phụ thuộc vào việc tăng lương tối thiểu để tăng thu nhập, vì vậy VCCI ban đầu đề xuất không tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đại diện cho phía người lao động lại cho rằng mức lương tối thiểu vùng hiện tại vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người lao động, vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban đầu đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2018 là 13,3%. Tại các buổi họp thứ 2 và thứ 3, các bên đã lần lượt thay đổi mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, về phía VCCI là 5% (tại cuộc họp thứ 2) và 6% (tại cuộc họp lần 3), về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 8% (tại cuộc họp thứ 2) và 7% (tại cuộc họp lần 3).

Việc tăng mức lương tối thiểu vùng sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho người sử dụng lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, với quan điểm bảo vệ người lao động từ trước đến nay của Chính phủ Việt Nam thì việc lựa chọn tăng mức lương tối thiểu vùng là điều dễ hiểu. Thời hạn lấy ý kiến đối với Dự thảo Lương Tối thiểu Vùng là đến ngày 23/10/2017, người sử dụng lao động có thể nêu ý kiến đối với Dự thảo Lương Tối thiểu Vùng này.

–   Written by LE & TRAN | Vietnam’s Premier Business Litigation Firm