Tham ô Tài sản trong Doanh nghiệp, Tổ chức Tư nhân
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 lần đầu tiên ghi nhận Tội tham ô tài sản sẽ được áp dụng để xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản trong các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Quy định này đã thay đổi tư duy khoa học pháp lý hình sự ở Việt Nam, phá bỏ đi tư duy tội phạm thuộc Chương tham nhũng, chức vụ chỉ được áp dụng để xử lý đối với các cá nhân là cán bộ, công chức hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Do đó, thực tiễn áp dụng quy định này còn nhiều khó khăn và tranh cãi.
Xử lý Tội tham ô Tài sản đối với Người lao động trong các Doanh nghiệp, Tổ chức Tư nhân
Điều 353.6 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Như vậy, theo quy định này, Tội tham ô tài sản có thể được áp dụng để xử lý đối với những người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trong các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân.
Vậy người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp tư nhân là ai?
Theo quy định tại Điều 352.2 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Như vậy, trong các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân thì Người có chức vụ có thể là người do hợp đồng hoặc là do một hình thức khác mà được giao nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong việc quản lý tài sản của doanh nghiệp, tổ chức.
‘Do hợp đồng’ ở đây được hiểu là những người làm việc dựa trên hợp đồng lao động, công việc của họ có có liên quan đến việc quản lý tài sản và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản. Còn ‘Do một hình thức khác’ theo Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ được hiểu là những người được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Được giao nhiệm vụ này có thể là do tính chất công việc, do được cấp trên giao cho hoặc có quyết định phân công nhiệm vụ.
Tuy nhiên, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân chỉ có thể trở thành chủ thể của Tội tham ô tài sản khi hành vi phạm tội của họ được thực hiện trong khi thi hành nhiệm vụ hoặc công vụ, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội ngoài phạm vi này thì không thuộc trường hợp phạm Tội tham ô tài sản mà có thể phạm vào các tội chiếm đoạt tài sản khác.
Bên cạnh đó, tài sản mà họ chiếm đoạt phải là tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý. Nếu họ là người có chức vụ, quyền hạn nhưng lại chiếm đoạt các tài sản khác của doanh nghiệp, tổ chức mà họ không có trách nhiệm quản lý thì không thuộc trường hợp phạm Tội tham ô tài sản.
Người có chức vụ nhất thiết phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm, nếu là vụ án có đồng phạm thì họ phải là người thực hành, còn những người khác không có chức vụ có thể là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức.
Ví dụ điển hình về Hành vi Tham ô Tài sản trong các Doanh nghiệp, Tổ chức Tư nhân
Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một ví dụ điển hình về hành vi tham ô tài sản trong các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không phải là chủ sở hữu phần vốn góp mà là người lao động của doanh nghiệp.
Tình huống
Công ty X ký hợp đồng lao động với A, vị trí làm việc là: Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty X. A được Công ty giao nhiệm vụ vận hành hoạt động và quản lý tài khoản ngân hàng của Công ty. Với nhiệm vụ của mình, A được các chủ sở hữu Công ty tin tưởng và giao cho thực hiện các lệnh thanh toán tiền cho đối tác có giá trị từ 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) trở xuống.
Lợi dụng nhiệm vụ được giao, A đã thực hiện việc chuyển nhiều lần các khoản tiền từ tài khoản của Công ty vào tài khoản của vợ, rồi yêu cầu vợ rút ra để A tiêu xài, sử dụng cá nhân. Tổng số tiền A chiếm đoạt của Công ty X sau nhiều lần chuyển tiền là 10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng).
Như vậy, hành vi của A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì?
Quan điểm pháp lý
Trong tình huống này, hiện nay có những quan điểm trái chiều giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh của A do dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một số tội phạm có điểm tương đồng, cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất: cho rằng A phạm Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bởi A đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà A được giao quản lý, đó là số tiền trong tài khoản ngân hàng của Công ty X.
- Quan điểm thứ hai: cho rằng A phạm Tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bởi A đã lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, đó là số tiền trong tài khoản ngân hàng của Công ty X.
Lê & Trần đồng tình với quan điểm thứ hai bởi vì A là người lao động của Công ty X và A có trách nhiệm quản lý số tiền trong tài khoản ngân hàng của Công ty do đó A là người có chức vụ, quyền hạn, thỏa mãn dấu hiệu chủ thể đặc biệt của Tội tham ô tài sản. Nếu A không có chức vụ là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty X thì A sẽ không thể thực hiện được hành vi phạm tội này. Mặt khác, trong tình huống này, nếu như hành vi của A vừa thỏa mãn cấu thành của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vừa thỏa mãn cấu thành của Tội tham ô tài sản thì cần phải xử lý ở tội phạm có hình phạt nặng hơn, bởi lẽ hình phạt là thước đo tính nguy hiểm của tội phạm, cần phải xử lý nghiêm để răn đe, ngăn ngừa hành vi phạm tội.
Tội tham ô tài sản có hành vi phạm tội tương tự như hành vi phạm tội của một số tội có tính chất chiếm đoạt như: Tội trộm cắp tài sản, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,… Tuy nhiên, Tội tham ô tài sản có 02 dấu hiệu nhận diện đặc trưng sau:
- Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn, kể cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
- Thứ hai, tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản do người đó có trách nhiệm quản lý.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn liên quan đến các tội phạm hình sự hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản của người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức theo quy định Bộ luật Hình sự Việt Nam, vui lòng liên hệ các Luật sư Hình sự của chúng tôi tại info@letranlaw.com.