Thẩm quyền của Trọng tài đối với Thoả thuận Bảo mật, Chống Cạnh tranh

Hannah Huynh

Vào đầu năm 2018, ngày 19/02/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ban hành Phán quyết Trọng tài số 75/17 HCM (Phán quyết 75) đối với tranh chấp phát sinh từ Thỏa thuận Bảo mật và Không Cạnh tranh (Non-Disclosure and Non-Compete Agreement – NDA) giữa Công ty X (nguyên đơn – người sử dụng lao động) và Bà Đỗ Thị Mai T (bị đơn – người lao động). Theo Phán quyết 75, VIAC đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty X và buộc người lao động phải bồi thường cho Công ty X do vi phạm NDA đã ký kết. Sau đó, không đồng ý với Phán quyết 75 của VIAC, Bà Đỗ Thị Mai T đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Tòa án HCM) để yêu cầu hủy toàn bộ nội dung Phán quyết 75 với nhiều lý do, trong đó có lý do:“vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”. Ngày 12/6/2018, Tòa án HCM đã ban hành Quyết định 755/2018/QĐ-PQTT (Quyết định 755) không chấp nhận yêu cầu hủy Phán quyết 75 của người lao động, dẫn đến nhiều quan điểm cho rằng VIAC (cơ quan chuyên giải quyết các tranh chấp liên quan đến thương mại) có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ NDA. Vậy có thật sự VIAC (hay cơ quan trọng tài thương mại nói chung) có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ NDA không?

Tòa án HCM có thật sự Công nhận Thẩm quyền của VIAC trong Quyết định 755 không?

Theo Điều 2, Luật Trọng tài Thương mại 2010, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp sau:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Theo Phán quyết 75 của VIAC, VIAC đã cho rằng tranh chấp phát sinh từ NDA thuộc loại tranh chấp thứ (2) – tức là “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” bởi vì một bên trong tranh chấp là Công ty X là thương nhân, có đăng ký kinh doanh và có hoạt động thương mại, từ đó kết luận rằng Hội đồng trọng tài VIAC có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ NDA. Mặc dù trong đơn yêu cầu hủy Phán quyết 75, Bà Đỗ Thị Mai T cho rằng tranh chấp phát sinh từ NDA là tranh chấp lao động nên VIAC không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này (theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động thuộc về tòa án), nhưng trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, Bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của trọng tài mà vẫn tiếp tục tố tụng trọng tài, vẫn tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP. Đây là lý do chính dẫn đến việc Tòa án HCM không đồng ý với lý do yêu cầu hủy Phán quyết 75 của Bà Đỗ Thị Mai T. Hơn nữa, xem xét kỹ hơn Quyết định 755 thì có thể thấy toàn bộ nội dung Quyết định 755 không có bất kỳ nội dung nào xác nhận việc VIAC áp dụng Điều 2 của Luật Trọng tài Thương mại 2010 để xác lập thẩm quyền của VIAC là đúng, cũng như không có bất kỳ nội dung nào công nhận trực tiếp rằng VIAC mặc nhiên có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này theo luật định. Do đó, không có cơ sở để khẳng định Tòa án HCM đã công nhận thẩm quyền luật định của VIAC trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ NDA.

Bản chất của Tranh chấp Phát sinh từ NDA có phải là Tranh chấp Lao động không?

Xuất phát từ việc VIAC áp dụng Điều 2, Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”) để xác lập thẩm quyền của mình đối với tranh chấp phát sinh từ NDA, câu hỏi đặt ra là tranh chấp phát sinh từ NDA là tranh chấp lao động hay tranh chấp thương mại – dân sự? Việc xác định đúng loại quan hệ pháp luật tranh chấp là cơ sở để xác định đúng thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp. Hiện tại, có nhiều quan điểm cho rằng tranh chấp từ NDA là một tranh chấp độc lập với quan hệ lao động bởi vì NDA được ký kết độc lập với hợp đồng lao động (NDA không được ký kết như là một phụ lục hay là một phần không tách rời của hợp đồng lao động). Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi cho rằng tranh chấp từ NDA không thể tách rời với quan hệ lao động. Bởi vì chỉ khi phát sinh quan hệ lao động thì mới phát sinh các vấn đề về việc người lao động được tiếp cận với các thông tin mật của doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp lo lắng rằng người lao động có thể sử dụng không phù hợp các thông tin mật này (ví dụ như tiết lộ ra bên ngoài hoặc sử dụng các thông tin mật này khi làm việc cho các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp) làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; từ đó doanh nghiệp mới có nhu cầu ký kết NDA với người lao động. Như vậy, nếu xem xét kỹ về bản chất của NDA, thì nếu không có quan hệ lao động thì sẽ không phát sinh NDA. Do đó, mặc dù NDA được ký một cách độc lập (không phải là một phụ lục hay là một phần không tách rời của hợp đồng lao động) nhưng không thể phủ nhận mối liên kết giữa NDA và quan hệ lao động như đã phân tích. Trong trường hợp người lao động ký NDA mà không nhận được thêm bất kỳ lợi ích gì để bù đắp cho phần nghĩa vụ phát sinh thêm từ NDA trong và sau thời gian làm việc cho doanh nghiệp thì càng có thêm cơ sở để khẳng định tính phụ thuộc của NDA vào quan hệ lao động. Vì vậy, nếu không có đủ các yếu tố chứng minh tính độc lập của NDA thì những tranh chấp phát sinh từ NDA sẽ được xác định là tranh chấp lao động và sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án chứ không phải thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại. (Quý đọc giả có thể xem thêm các bình luận của chúng tôi về tính hiệu lực của một NDA).

Cơ sở hủy Phán quyết Trọng tài của Tòa án

Theo quy định tại Điều 68.2, Luật Trọng tài Thương mại 2010, một trong các căn cứ để hủy phán quyết trọng tài là “vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”. Do đó, đối với Phán quyết 75 của VIAC, theo quan điểm của chúng tôi, nếu người lao động đưa ra phản đối về thẩm quyền của VIAC trong quá trình tố tụng trọng tài mà không được Hội đồng trọng tài VIAC chấp nhận thì khi Tòa án HCM xem xét yêu cầu hủy Phán quyết 75 của người lao động, có khả năng rất cao là Tòa án HCM sẽ đồng ý hủy Phán quyết 75. Lý do dễ dàng nhận thấy là các quy định pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam luôn hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động hơn là doanh nghiệp (xuất phát từ nhận định người lao động là bên yếu thế hơn trong quan hệ lao động).

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài thương mại hoặc các vấn đề khác liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động theo Pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Lao động của chúng tôi tại info@letranlaw.com.