Thanh toán Khoản đóng Bảo hiểm Bao gồm trong Lương Tháng trong trường hợp Công ty Trả “Lương NET” cho Người lao động

Căn cứ Khoản 3, Điều 186, Bộ luật Lao động 2012, trong trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, Công ty phải thanh toán cho người lao động một khoản tiền tương đương với 22% tiền lương (tương đương với phần đóng góp bảo hiểm của Công ty). Tuy nhiên, nếu Công ty thanh toán lương NET cho người lao động, Công ty cần cân nhắc liệu Công ty có phải thanh toán cho người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm của người lao động (tương đương với 10,5% tiền lương) hay không.
Trước hết, pháp luật hiện hành của Việt Nam không có bất kỳ định nghĩa nào về “lương NET”. Luật thuế quy định “thu nhập không bao gồm thuế” nhưng định nghĩa này chỉ đề cập đến nghĩa vụ thuế, không quy định cho các nghĩa vụ tài chính khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, “thu nhập không bao gồm thuế” được quy định trong luật thuế không đồng nghĩa với “lương NET” hiện tại. Bên cạnh luật thuế, trong hầu hết các quy định khác, tiền lương được hiểu là tiền lương chưa được khấu trừ bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào (được hiểu là lương GROSS).
Do đó, các quy định của pháp luật Việt Nam không được ban hành để áp dụng cho “lương NET” và nhiều cơ quan nhà nước tại Việt Nam cũng không hiểu “lương NET” là gì. Do không có bất kỳ định nghĩa hoặc quy định cụ thể nào về “lương NET” theo quy định của pháp luật Việt Nam, “lương NET” được giải thích dựa trên thỏa thuận của các bên và có thể được hiểu như sau:
Nếu hiểu rằng việc thỏa thuận trả “lương NET” nghĩa là Công ty cam kết trả tất cả các nghĩa vụ tài chính phát sinh đối với người lao động thay mặt cho người lao động (nghĩa là nếu những nghĩa vụ tài chính không phát sinh đối với người lao động, Công ty sẽ không phải trả những khoản này); trong trường hợp này, Công ty chỉ phải thanh toán cho người lao động một khoản bằng 22% tiền lương. Lý do là người lao động không có trách nhiệm đối với khoản tiền bảo hiểm tương đương với 10.5% tiền lương và Công ty không phải thay mặt người lao động thanh toán những khoản này.
Nếu hiểu “lương NET” là khoản lương mà người lao động thực nhận, nghĩa là Công ty và người lao động đồng ý rằng mỗi tháng người lao động sẽ nhận một khoản cố định, bất kể các quy định có liên quan; trong trường hợp này, người lao động sẽ chỉ nhận một khoản tiền như đã thỏa thuận, không nhận thêm bất kỳ khoản tiền bảo hiểm nào khác, bao gồm cả khoản tiền tương đương với 22% tiền lương theo quy định pháp luật (vì khoản tiền này đã bao gồm trong tiền lương trả cho người lao động).
Nếu hiểu “lương NET” là việc Công ty cam kết thanh toán thêm nghĩa vụ thuế và các khoản bảo hiểm cho người lao động, trong trường hợp này, Công ty phải trả một khoản bằng 32,5% tiền lương của người lao động, bao gồm 22% là phần Công ty phải trả theo quy định pháp luật và 10,5% là các tiền bảo hiểm Công ty cam kết trả cho người lao động.
Theo đó, vì pháp luật Việt Nam vốn đã không quy định về “lương NET”, Công ty nên tránh sử dụng “lương NET” trong hợp đồng lao động. Thay vào đó, Công ty có thể cân nhắc việc mô tả cả hai loại lương trong hợp đồng lao động, “lương NET” nhằm mục đích tham khảo và lương phổ biến (lương GROSS) để tính toán các nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Trong trường hợp Công ty chỉ dùng “lương NET”, Công ty phải định nghĩa “lương NET” một cách rõ ràng để có cơ sở áp dụng sau này.
– Written by LE & TRAN | Vietnam’s Premier Boutique Litigation Firm
Bản quyền của tài liệu này thuộc sở hữu độc quyền của Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Không được sao chép, phát tán hoặc truyền tải bất kỳ nội dung nào của tài liệu này dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương thức nào, bao gồm sao chụp, ghi chép hoặc các phương thức thủ công hoặc điện tử khác, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản từ Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Chúng tôi bảo lưu tất cả các quyền và sẽ ngay lập tức thực hiện mọi hành động tố tụng pháp lý (hình sự, dân sự và thương mại) theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để xử lý (các) hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.