Thi hành án Kinh doanh, Thương mại – Vướng mắc và Giải pháp
Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường việc xảy ra tranh chấp là điều không tránh khỏi. Trong đó, việc giải quyết tranh chấp thương mại tốn nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thắng kiện không đồng nghĩa với việc Cơ quan thi hành án dân sự sẽ tự động đưa bản án, phán quyết có hiệu lực ra thi hành (ngoại trừ các trường hợp thi hành án chủ động). Trên cơ sở bản án của Tòa, phán quyết của Trọng tài, doanh nghiệp cần phải có đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Bởi lẽ, giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án là hai giai đoạn riêng rẽ, độc lập, mỗi giai đoạn có những nhiệm vụ, quy trình riêng.
Vấn đề đặt ra là, mất bao lâu doanh nghiệp sẽ được thi hành án (lấy được tiền/thu hồi được tài sản)? Chi phí thi hành án là bao nhiêu? Và những vướng mắc thường gặp trong thi hành án kinh doanh thương mại là gì?
Thực tiễn, nhiều doanh nghiệp thắng kiện nhưng quá trình thi hành án kéo dài, tồn đọng từ năm này sang năm khác, doanh nghiệp vẫn chưa được thi hành án xong.
Mất bao lâu để thi hành xong một việc thi hành án kinh doanh, thương mại
Đặc điểm của thi hành án kinh doanh, thương mại
Thi hành án dân sự (THADS) là giai đoạn thực thi các bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của Trọng tài nhằm khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan hay nói cách khác THADS là thủ tục để đưa bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của Trọng tài từ trên giấy được thi hành trong thực tế.
Theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự), thi hành án trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại (Thi hành án KDTM) là một hình thức cụ thể của hoạt động THADS – do các cơ quan THADS có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục được quy định bởi pháp luật thi hành án. Thi hành án KDTM mang đầy đủ những đặc điểm của THADS, tuy nhiên, do tính chất đặc thù nên việc thi hành án KDTM có một số đặc trưng riêng, cụ thể:
Thứ nhất, chủ thể thi hành án KDTM chủ yếu là các doanh nghiệp. Xuất phát từ việc chủ thể trong hoạt động kinh doanh thương mại chủ yếu là các doanh nghiệp như: Công ty TNHH, Công ty cổ phần, chỉ một số ít còn lại là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh.
Thứ hai, về tính trách nhiệm trong thi hành án. Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì thành viên của Công ty TNHH chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào Công ty cổ phần. Theo đó, trách nhiệm về tài sản của các doanh nghiệp này chỉ trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp. Riêng đối với trường hợp người phải thi hành án là công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thì: Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty và doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, các nghĩa vụ phải thi hành án trong thi hành án KDTM thường có giá trị lớn. Việc thi hành án KDTM thường liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng kinh tế giữa các pháp nhân; hợp đồng tín dụng, ngân hàng… nên thường có giá trị lớn, chế độ quản lý tài sản phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề mang tính chất kinh tế, gây khó khăn cho quá trình thi hành án. Phần tài sản phải xử lý trong các vụ án KDTM cũng thường có giá trị lớn và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như:
Tài khoản tại ngân hàng, sản phẩm hàng hóa, dây chuyền công nghệ,… do đó việc xác minh, xử lý tài sản trong các việc thi hành án KDTM rất phức tạp và khó khăn.
Quy trình thi hành án
Quy định của pháp luật về thời hạn thi hành á
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể thời gian bao nhiêu lâu sẽ thi hành xong một việc thi hành án dân sự hay thi hành án KDTM, bởi lẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà hiệu quả thi hành một việc thi hành án nhanh hoặc chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ví dụ: người phải THA tự nguyện nộp tiền, tài sản để THA; hoặc người được THA và người phải THA thỏa thuận được với nhau về việc THA; hoặc tài sản của người phải THA bị kê biên, bán đấu giá mà có người mua ngay, v.v,. thì việc THA sớm thực hiện xong. Ngược lại, nếu tài sản của người phải THA bị kê biên, thông báo bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc tài sản kê biên có tranh chấp phải khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết, v.v,. thì việc THA khó thực hiện xong một cách nhanh chóng. Theo đó:
- Nếu ngay khi nhận được Quyết định THADS, người phải THA tự nguyện THA thì mất khoảng 02 tháng doanh nghiệp thắng kiện sẽ lấy được tiền/thu hồi được tài sản;
- Nếu người phải THA có điều kiện THA và hợp tác thì việc THA mất khoảng 04 tháng là bản án được thi hành xong;
- Nếu người phải THA có điều kiện nhưng không hợp tác, khiếu nại nhiều lần thì việc THA mất khoảng 05 – 06 năm mới thi hành xong (thậm chí còn lâu hơn);
- Nếu người phải THA không có tài sản, thì hồ sơ bị xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án có thể kéo dài vô thời hạn, không xác định khi nào mới thi hành xong.
Chi phí thi hành án là bao nhiêu
Phí thi hành án
Phí thi hành án (Phí THA) là khoản tiền mà doanh nghiệp thắng kiện phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa. Mức phí THA được tính khởi điểm 3% trên số tiền, giá trị tài sản thực nhận, sau đó, có các bước tính lũy tiến phụ thuộc vào tiền, giá trị tài sản được nhận tăng lên theo từng mức tiền, giá trị tài sản thực nhận. Cụ thể:
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí THA là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận.
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.0000.000 thì mức phí THA là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng.
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.0000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí THA là 190.000.000 đồng cộng với 1% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng.
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.0000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí THA là 220.000.000 đồng cộng với 0,5% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng.
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí THA là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
Chi phí để cưỡng chế tài sản
Theo quy định của pháp luật về THADS thì người phải THA phải chịu mọi chi phí về việc cưỡng chế THA, bao gồm: Chi phí thông báo về cưỡng chế THA; chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế THA; chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp người được THA yêu cầu định giá lại hoặc định giá lại khi có vi phạm quy định về định giá; chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phí phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế THA; chi phí
cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ; tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế THA.
Chi phí cưỡng chế THA sẽ được tạm ứng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của cơ quan THADS được duyệt chi ngân sách rất hạn hẹp. Trong một số trường hợp, Chấp hành viên sẽ đề nghị doanh nghiệp thắng kiện hỗ trợ tạm ứng chi phí này để Chấp hành viên kịp thời ký hợp đồng với các tổ chức cung ứng dịch vụ.
Vướng mắc thường gặp và giải pháp trong thi hành án kinh doanh, thương mại
Vướng mắc thường gặp
Do tính chất đặc thù của THA KDTM, nên trong quá trình THA, Doanh nghiệp thắng kiện thường gặp một số vướng khó như sau:
Một là, không có hệ thống chia sẽ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chức năng với Cơ quan Thi hành án, dẫn đến việc được cung cấp thông tin bị chậm hoặc không đầy đủ.
Ví dụ: Việc yêu cầu ngân hàng, doanh nghiệp liên quan cung cấp số vốn góp, tài khoản của doanh nghiệp thường cung cấp chậm trễ hoặc cung cấp không đầy đủ. Cá biệt có trường hợp do liên kết, thỏa thuận ‘ngầm’ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cố tình cung cấp thông tin sai lệch gây bất lợi cho công tác xác minh, kê biên tài sản của cơ quan THADS, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng THA.
Hai là, nhiều tài sản đã giảm giá nhiều lần (theo quy định của Luật THADS) nhưng vẫn rất khó bán. Một phần do tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến THA, một phần do địa thế nhà đất không thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tài sản kê biên thường không xử lý được ngay, kéo dài thời gian, tài sản trượt giá qua nhiều lần bán đấu giá không thành, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi hành án cũng như quyền lợi của người có tài sản thi hành.
Ba là, nhiều vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản. Lý do là, đương sự chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế, giao tài sản trúng đấu giá. Dẫn đến việc THA bị kéo dài, tồn đọng nhiều năm chưa THA xong.
Bốn là, phần lớn các doanh nghiệp trong các vụ việc THA KDTM có liên quan đến tín dụng ngân hàng đều mất khả năng thanh toán các khoản tiền vay, nên cố tình dây dưa, chống đối bằng nhiều cách (thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp, cản trở việc xác minh điều kiện thi hành án, định giá tài sản, bán đấu giá tài sản để THA). Đối với động sản như ôtô, máy xúc… họ tìm cách đưa ra khỏi địa phương hoặc chuyển đến những khu vực vùng núi, tỉnh ngoài không thể truy tìm được để xử lý. Thậm chí, có trường hợp lợi dụng cả vấn đề tôn giáo để cản trở việc THA. Một số trường hợp tài sản thế chấp là nhà ở duy nhất, có nhiều nhân khẩu cùng sống chung, trong đó có người già, trẻ nhỏ dẫn đến việc cưỡng chế giao tài sản gặp rất nhiều khó khăn.
Năm là, người phải thi hành án cố tình khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp, một số vụ việc khiếu nại nhiều lần gây cản trở việc tổ chức THA.
Sáu là, một số trường hợp do Chấp hành viên vi phạm thủ tục tổ chức THA làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả thi hành án như: Đa phần Chấp hành viên vi phạm về thời hạn thông báo, tống đạt các quyết định/thông báo thi hành án; Hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh hoặc trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ, không tiến hành xác minh khi có thông tin về thi hành án; Sau khi có kết quả xác minh thì chậm cưỡng chế,…
Bảy là, nhiều trường hợp hồ sơ bị xếp vào loại chưa có điều kiện THA do người phải THA thực tế không có tài sản để thi hành, hoặc doanh nghiệp phải THA mượn địa chỉ thành lập công ty sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh, đi đâu không rõ, … Gây khó khăn cho quá trình thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp thắng kiện. Vì pháp luật thi hành án hiện nay chưa có chế tài, quy định xử lý trong trường hợp này.
Giải pháp
Thứ nhất, doanh nghiệp thắng kiện cần chủ động thu thập thông tin, điều kiện THA của người phải THA, hỗ trợ kịp thời cho Chấp hành viên trong quá trình xác minh điều kiện THA.
Thứ hai, doanh nghiệp thắng kiện cần đề nghị các tổ chức bán đấu giá tăng cường hoạt động giới thiệu, thông tin về tài sản trên nhiều loại phương tiện, phạm vi, đối tượng tiếp cận tài sản để tài sản để được giao dịch. Nếu có thể, nên xem xét và đề nghị nhận lại tài sản để trừ nợ sau nhiều lần bán đấu giá không thành.
Thứ ba, đối với trường hợp chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá/doanh nghiệp thắng kiện nhận tài sản cấn trừ nợ thì doanh nghiệp thắng kiện cần chủ động phối hợp với Chấp hành viên, các cơ quan ban ngành trong việc vận động thuyết phục đương sự hợp tác, tự nguyện giao tài sản. Nếu vận động thuyết phục không thành công, thì đề nghị Chấp hành viên cưỡng chế giao tài sản theo đúng quy định.
Thứ tư, khi có thông tin về tài sản của người phải THA, doanh nghiệp thắng kiện phải kịp thời yêu cầu Chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm THA nhằm ngăn chặn người phải THA thay đổi hiện trạng tài sản, tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THA.
Thứ năm, đối với việc cố tình khiếu nại, tố cáo không có căn cứ của người phải THA, doanh nghiệp thắng kiện cần nắm rõ các quy định của pháp luật THADS, kịp thời có ý kiến phản đối, đề nghị Cơ quan THADS giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại không có căn cứ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết THA.
Thứ sáu, doanh nghiệp thắng kiện cần chủ động theo dõi, liên hệ, thúc đẩy Cơ quan THADS có thẩm quyền để nhận quyết định THADS đúng thời hạn. Nếu Chấp hành viên vi phạm thời hạn tổ chức thi hành án như: Vi phạm thời hạn xác minh điều kiện THA, chậm cưỡng chế THA, … thì doanh nghiệp thắng kiện cần có văn bản khiếu nại, phản ánh kịp thời với Thủ trưởng Cơ quan THADS, Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra việc tổ chức THA và yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan THADS chỉ đạo Chấp hành viên khắc phục vi phạm, tổ chức THA đúng quy định pháp luật.
Thứ bảy, ngay từ đầu khi ký kết hợp đồng kinh tế, các bên nên tìm hiểu rõ quá trình hoạt động, hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng tài chính của đối tác để có cơ sở xử lý THA sau này.
Lĩnh vực Liên quan: Bản án Kinh doanh, Thương mại & Dân sự
Kết luận
Trong quá trình thi hành các vụ án kinh doanh thương mại, có không ít đương sự có tâm lý chây ì, tìm cách lách luật, tìm cách tẩu tán tài sản hoặc không chịu giao tài sản để thi hành án, hoặc đa phần Chấp hành viên vi phạm thời hạn thông báo, xác minh điều kiện thi hành án, một vài trường hợp Chấp hành viên chưa mạnh dạn, kiên quyết trong việc cưỡng chế kê biên dẫn đến việc thi hành bị kéo dài, trì trệ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp thắng kiện. Hy vọng các thông tin chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp cho doanh nghiệp của anh, chị tháo gỡ được các vướng mắc trong quá THA KDTM, đẩy nhanh được tiến độ THA, hạn chế tối đa việc thi hành án trì trệ, kéo dài.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn liên quan đến thi hành án kinh doanh, thương mại, vui lòng liên hệ các Luật sư Thi hành án của chúng tôi tại info@letranlaw.com.