Công nhận Thi hành Bản án Tòa án Nước ngoài và Phán quyết Trọng tài Nước ngoài tại Việt Nam

Stephen Le

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) bất kỳ một bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Bản án, phán quyết của nước ngoài) muốn có hiệu lực tại Việt Nam thì phải được toà án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành. Tuy nhiên, không phải bất cứ bản án, phán quyết của nước ngoài nào có yêu cầu công nhận và cho thi hành ở Việt Nam thì Tòa án Việt Nam phải thụ lý, xem xét công nhận. Việc có tiếp nhận đơn yêu cầu để xem xét hay không phụ thuộc vào việc giữa các quốc gia và Việt Nam có tham gia vào những ràng buộc pháp lý quốc tế hoặc mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia với nhau. Và về nguyên tắc, Tòa án của Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, phán quyết của nước ngoài khi:

  • Bản án, phán quyết của nước ngoài phù hợp với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập;
  • Trên cơ sở có đi có lại; và
  • Theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Vừa qua, Bộ tư pháp đã công bố cơ sở dữ liệu về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Bản án, Phán quyết Nước ngoài từ năm 2012 đến ngày 30-9-2019 (Bảng Cơ sở Dữ liệu) thì chỉ có 49% Bản án, Phán quyết Nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam. Có thể thấy, số bản án, phán quyết của nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành là khá cao, một tỷ lệ rất đáng trăn trở. Và nó có 2 lý do để chúng ta suy nghĩ: Một là, chất lượng xét xử của Tòa, phán quyết của Trọng tài nước ngoài quá thấp hoặc Tòa án, Trọng tài nước ngoài đã vi phạm tố tụng khi giải quyết vụ việc; Hai là, một số quy định trong thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của nước ngoài của Bộ luật Tố tụng dân sựLuật Trọng tài thương mại Việt Nam (Luật TTTM) chưa được tuân thủ triệt để hoặc còn có điểm bất cập, thiếu văn bản hướng dẫn.

Việc công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của nước ngoài tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo: Công ước về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài năm 1958 (Công ước New York 1958); Các quy định tại Chương XXXVI và XXXVII của BLTTDS 2015 (trước đây là Chương 26, 27, 28, 29 của BLTTDS 2004, sửa đổi bổ sung 2011). Và căn cứ để từ chối công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể tại: Điều 3, Điều 4, Điều 5 Công ước New York 1958; Điều 439, 459 BLTTDS năm 2015 (trước đây là Điều 356, 370 BLTTDS 2004, sửa đổi bổ sung 2011).

Đối chiếu với Bảng Cơ sở Dữ liệu, có 5/26 bản án và 30/82 phán quyết trọng tài của nước ngoài không được công nhận. Và trong cùng một bản án, phán quyết có thể có nhiều lý do để Tòa án không công nhận. Trong đó:

Nội dung Ẩn

Những Lý do (Vì sao) Tòa án Việt Nam Không công nhận Phán quyết Trọng tài Nước ngoài?

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành án không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài Nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình.

Đây là căn cứ từ chối thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài khi bên phải thi hành án không có cơ hội bình đẳng để trình bày vụ việc của mình.  Điều mà bên phải thi hành án phải chứng minh là họ đã bị tước mất quyền được có thủ tục tố tụng hợp lý trong quá trình tố tụng tại trọng tài nước ngoài. Trường hợp này bao gồm:

  • Bên phải thi hành án không được thông báo về việc bổ nhiệm trọng tài viên; hoặc
  • Bên phải thi hành án không được thông báo về thủ tục trọng tài; hoặc
  • Bên phải thi hành án không thể trình bày vụ việc của mình.

Loại hình thông báo về việc chỉ định trọng tài viên, về thủ tục trọng tài hay về phiên trọng tài được điều chỉnh bởi quy tắc tố tụng trọng tài do các bên lựa chọn trong thỏa thuận trọng tài. Đối với phán quyết của trọng tài nước ngoài, các quy tắc tố tụng dân sự của Việt Nam về thông báo sẽ không được áp dụng.

Số lượng phán quyết trọng tài bị từ chối công nhận với lý do này là cao nhất trong suốt thời gian thống kê, chiếm 70% số phán quyết không được công nhận.

Các bên ký thỏa thuận Trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên

Căn cứ từ chối không công nhận này bao gồm không có năng lực về thể chất, tinh thần, không có thẩm quyền thay mặt pháp nhân hoặc người ký kết chưa đủ tuổi ký kết (người chưa thành niên).

Điều 459.1(a) BLTTDS năm 2015 (Điều 370 BLTTDS 2004, sửa đổi bổ sung 2011) quy định rằng luật áp dụng để xác định năng lực là “luật áp dụng đối với mỗi bên”. Hội đồng xét đơn phải căn cứ vào pháp luật áp dụng cho mỗi bên để xác định xem người đã ký thỏa thuận trọng tài có năng lực ký thỏa thuận trọng tài hay không. Vì vậy, không phải tự động áp dụng pháp luật Việt Nam để xác định năng lực của các bên.

Tòa án không được căn cứ vào pháp luật Việt Nam để quyết định rằng người đã ký thỏa thuận trọng tài của bên nước ngoài không có năng lực để ký thỏa thuận trọng tài đó. Ngược lại, Tòa án cũng không được căn cứ vào pháp luật nước ngoài để xác định rằng phía Việt Nam đã ký thỏa thuận trọng tài không có năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài đó.

Luật áp dụng để xem xét năng lực ký kết của mỗi bên phải được xác định bằng cách áp dụng nguyên tắc xung đột pháp luật của Tòa án.

Đối với bên nước ngoài, Tòa án phải áp dụng nguyên tắc xung đột pháp luật tại Điều 466 (cho người nước ngoài) và Điều 467 BLTTDS năm 2015 (cho pháp nhân nước ngoài) để xác định pháp luật áp dụng. Theo đó:

  • Năng lực pháp luật của cá nhân nước ngoài được xác định theo luật của nước nơi họ có quốc tịch (Điều 466.1 BLTTDS năm 2015).
  • Năng lực pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài được xác định theo luật của nước nơi doanh nghiệp, tổ chức đó được thành lập (Điều 467 BLTTDS năm 2015).
  • Việc áp dụng luật nước ngoài để xem xét năng lực ký kết hợp đồng của các bên cũng phải tuân thủ quy định tại Điều 481 BLTTDS năm 2015 về xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Đối với việc xem xét năng lực ký kết hợp đồng của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam, Tòa án phải xem xét cẩn trọng các quy định liên quan của pháp luật dân sự và pháp luật doanh nghiệp cũng như các văn bản pháp luật liên quan.

Số lượng phán quyết trọng tài bị từ chối công nhận với lý do này là đứng thứ hai trong suốt thời gian thống kê, chiếm 40% số phán quyết không công nhận.

Thành phần của Trọng tài Nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài Nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận Trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài Nước ngoài được tuyên, nếu thỏa thuận Trọng tài không quy định về các vấn đề đó

Điều 459.1(đ) BLTTDS năm 2015 (Điều 370.1(đ) BLTTDS năm 2004, sửa đổi bổ sung 2011) quy định căn cứ từ chối trong hai trường hợp: (i) thành phần Hội đồng trọng tài; hoặc (ii) thủ tục trọng tài bị vi phạm.

  • Về thành phần của Hội đồng trọng tài, Điều 459.1(đ) BLTTDS năm 2015 được áp dụng nếu một bên đương sự bị tước quyền chỉ định Trọng tài viên hoặc quyền yêu cầu các thành viên Hội đồng trọng tài phù hợp với thỏa thuận trọng tài của các bên để giải quyết tran chấp của mình. Để xác định xem có vi phạm hay không, Tòa án phải căn cứ vào: (i) thỏa thuận trọng tài; hoặc (ii) nếu thỏa thuận trọng tài không quy định thì căn cứ vào pháp luật của nước nơi pháp quyết trọng tài nước ngoài ban hành.
  • Về thủ tục trọng tài, Điều 459.1(đ) BLTTDS năm 2015 được áp dụng nếu một bên bị tước quyền được có thủ tục trọng tài do Hội đồng trọng tài tiến hành phù hợp với thỏa thuận của các bên. Căn cứ này tương tự như căn cứ hủy pháp quyết trọng tài trong nước theo quy định tại Điều 68.2(b) Luật TTTM. Tuy nhiên, cần nắm rõ ràng căn cứ pháp lý để xem xét tính hợp pháp của thủ tục trọng tài là thỏa thuận của các bên, quy tắc trọng tài nước ngoài, luật trọng tài nước ngoài mà các bên đã thỏa thuận chứ không phải thủ tục tố tụng thông thường của Việt Nam theo quy định BLTTDS.

Số lượng phán quyết trọng tài bị từ chối công nhận với lý do này là đứng thứ ba trong suốt thời gian thống kê, chiếm 33,4% số phán quyết không công nhận.

Trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam

Thế nào là ‘trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam’ hiện nay còn nhiều tranh cãi. Và theo Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán giải thích rằng ‘vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam’ có nghĩa là phán quyết đó “vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, việc giải thích này còn rất chung chung, chưa cụ thể, hơn nữa văn bản này chỉ hướng dẫn việc áp dụng Luật TTTM 2010 để giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nước, không hướng dẫn BLTTDS để giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của nước ngoài tại Việt Nam. Có thể nói, đây là lý do từ chối công nhận dễ gây bức xúc nhất cho bên được thi hành án.  Và số lượng phán quyết trọng tài bị từ chối công nhận với lý do này là đứng thứ tư trong suốt thời gian thống kê, chiếm 23,3% số phán quyết không công nhận.

Những Lý do Bản án Nước ngoài Không được Tòa án Việt Nam Công nhận?

Bản án, Quyết định Dân sự của Tòa án Nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện để được công nhận quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp với các nước như: Trung Quốc, Lào, Pháp, Mông Cổ, v.v., Tất cả các Hiệp định song phương này đều có quy định về việc công nhận và cho thi hành bản án của nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm quy định về: phạm vi công nhận và thi hành; điều kiện và thủ tục công nhận và thi hành, v.v..

Đối chiếu với Bảng Cơ sở Dữ liệu, căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài với lý do này là thấp nhất trong suốt thời gian thống kê, có 1/5 bản án không được công nhận, chiếm 20%.

Bên phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của bên đó đã vắng mặt tại phiên tòa của Tòa án Nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ hoặc văn bản của Tòa án Nước ngoài không được tống đạt cho họ trong một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án Nước ngoài đó để họ thực hiện quyền tự bảo vệ

Đây là căn cứ từ chối thi hành bản án của Tòa án nước ngoài khi bên phải thi hành án không có cơ hội bình đẳng để trình bày vụ việc của mình. Và số lượng bản án nước ngoài bị từ chối công nhận tại Việt Nam với lý do này có 2/5 bản án không được công nhận, chiếm 40%.

Tòa án Nước ngoài đã ra Bản án, Quyết định không có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó theo quy định tại Điều 440 của BLTTDS 2015

Lý do Tòa án Việt Nam không thừa nhận giá trị pháp lý và từ chối thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài vì cho rằng tòa án nước ngoài không có thẩm quyền là lý do mới được đưa vào BLTTDS 2015. Có nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình với lập luận này, cho rằng thẩm quyền của tòa án nước ngoài sẽ không phụ thuộc vào quan điểm của nhà làm luật Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng bản án của Tòa án nước ngoài bị từ chối công nhận với lý do này chiếm đa số trong suốt thời gian thống kê, có 2/5 bản án không được công nhận, chiếm 40%.

Việc công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của nước ngoài giúp giảm thiểu chi phí tố tụng của các bên tham gia tranh chấp, Tòa án quốc tế sẽ không phải xét xử lại vụ án đó một lần nữa. Tuy nhiên, việc công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của nước ngoài ở Việt Nam phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Nó thể hiện quyền tài phán độc lập của một quốc gia, không một quốc gia, tổ chức quốc tế nào có thể ép buộc một quốc gia hay tổ chức quốc tế khác công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của nước ngoài tại nước mình. Điều này không chỉ thể hiện chủ quyền của Việt Nam, mà còn phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến quy định vềthủ tục công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Tố tụng của chúng tôi tại info@letranlaw.com.