Thời Hiệu Giải Quyết Tranh Chấp Lao Động Theo Qui Định Của Pháp Luật

Vania Van

Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn nhất định.   Mâu thuẫn không giải quyết được sẽ trở thành xung đột, nguyên nhân phát sinh những cuộc tranh chấp.  Bất kỳ cuộc tranh chấp lao động nào bản chất vốn đã phức tạp, thời gian giải quyết có thể kéo dài bởi hầu hết đều gắn với quyền lợi, lợi ích của các bên.   Khi tranh chấp lao động xảy ra, hai bên luôn muốn làm sao giải quyết dứt điểm khúc mắc để ổn định lại sản xuất kinh doanh cũng như là công việc của mình.  Để đảm bảo quyền lợi, ngoài việc nắm rõ quyền, nghĩa vụ, trình tự thủ tục trong giải quyết tranh chấp lao động, các bên cũng cần lưu ý thêm về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động để chủ động hơn trong quá trình kiện tụng.  Bởi nếu quá thời hạn pháp luật cho phép, mọi vấn đề tranh chấp sẽ không còn được xử lý.  Trong tranh chấp lao động, thời hiệu được pháp luật quy định như thế nào?

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động được hiểu như thế nào?

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động, tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau, tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Tranh chấp lao động không chỉ đơn thuần là xung đột về hành vi liên quan đến hoạt động, chức năng của người lao động và người sử dụng lao động, mà là tranh chấp liên quan đến cả một quá trình của mối quan hệ lao động.  

Giải quyết tranh chấp lao động tập là việc các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành những thủ tục theo quy định pháp luật với mục đích giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa người lao động hay tập thể người lao động với người sử dụng lao động về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong quan hệ lao động nhằm khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại cũng như xoá bỏ mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động, duy trì và củng cố quan hệ lao động, đảm bảo sự ổn định trong sản xuất.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động là thời hạn mà luật định cho phép để giải quyết tranh chấp.  Khi kết thúc thời hạn đó thì người lao động, tập thể lao động, người sử dụng lao động trong tranh chấp lao động mất quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của mình.

Các loại tranh chấp lao động phổ biến 

Thời hiệu của tranh chấp lao động phuộc thuộc vào loại tranh chấp, theo Điều 179 Bộ luật Lao động 2019,có thể phân chia tranh chấp lao động thành hai loại căn cứ vào quy mô hoặc bản chất của tranh chấp, bao gồm:

Tranh chấp lao động cá nhân. Là tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.  Đây là loại tranh chấp rất phổ biến, và như tên gọi, tranh chất này mang tính riêng lẻ, cá nhân, không có tổ chức.  Những tranh chấp này phát sinh từ việc không thực hiện đúng những thỏa thuận đã giao kết cùng nhau, thay đổi hay chấm dứt hợp đồng lao động, không thực hiện đúng những quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể…

Tranh chấp lao động tập thể.  Là tranh chấp về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.  Tổ chức đại diện cho tập thể người lao động là tổ chức công đoàn tham gia với tư cách là một bên tranh chấp, yêu cầu người sử dụng lao động đáp ứng các quyền, lợi ích mà tập thể lao động đặt ra.  Tranh chấp lao động tập thể được tổ chức, có đại diện của tập thể theo quy định của pháp luật.

Trong một số trường hợp, tranh chấp lao động cá nhân được chuyển hóa thành tranh chấp lao động tập thể và ngược lại.

Trong tranh chấp lao động tập thể cũng được phân thành hai loại:

Tranh chấp lao động tập thể về quyền.  Là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp:  Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác.  Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động.  Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động. Can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động.  Vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.  Là tranh chấp phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể.  Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.  Những thương lượng thông thường là yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế và các thoả thuận hợp pháp khác về lợi ích tập thể với người sử dụng lao động.

Cơ quan tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động?

Tùy theo loại tranh chấp lao động là cá nhân hay tập thể mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết là Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động hay Tòa án nhân dân.

– Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.  Theo Điều 187 Bộ luật Lao động 2019, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là: Hòa giải viên lao động,  Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án nhân dân.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể.  Tại Điều 191 Điều 195 của Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền sẽ bao gồm: Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và Tòa án nhân dân.  Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích chỉ bao gồm: Hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động do tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không giải quyết tại Tòa án.

Trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động

Trong giải quyết tranh chấp lao động, theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Lao động 2019,  các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm như sau:

– Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.

– Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết trừ một số trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.  Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được Điều 190 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

– Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

– Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

– Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Lao động 2019, tùy vào phương thức giải quyết tranh chấp mà yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền có thời hiệu như sau:

Thông qua hòa giải viên.  Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thông qua trọng tài.  Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

Giải quyết tại tòa án.  Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.  Việc xác định chính xác thời điểm bắt đầu tính thời hiệu rất quan trọng, bởi từ đó xác định được chính xác thời điểm hết thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp, xác định được người yêu cầu còn quyền yêu cầu hay không.

Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo.  Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi.  Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  info@letranlaw.com.