Tiền Ảo Cần Thiết Một Khung Pháp Lý Hoàn Thiện
Những năm gần đây thuật ngữ tiền mã hóa, tiền ảo được nhắc đến rất nhiều. Có thể coi đây là một loại “Tài sản” mới ra đời và phát triển theo sự phát triển của Công nghiệp 4.0. Hay nói cách khác, thành tựu của Công nghệ 4.0 kéo theo sự ra đời của và phát triển của của các loại tiền ảo. Việc phát hành, lưu thông, trao đổi các loại tài sản ảo, tiền ảo ngày càng được mở rộng cả về quy mô, phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế, tài chính, pháp lý, các chính phủ , tổ chức quốc tế và công chúng.
Thị trường tiền điện tử nói chung cũng như việc đầu tư vào các loại tiền ảo ở Việt Nam nói riêng là thị trường mang lại nhiều cơ hội tiềm năng với những khoản lợi nhuận lớn. Tuy nhiên về mặt pháp lý, việc định danh, ghi nhận các loại tài sản này, cũng như khả năng tham gia giao dịch của mỗi loại tài sản này đang còn có những khoảng trống hoặc được quy định tương đối phức tạp, thiếu thống nhất. Chính vì vậy mức độ rủi ro cao khi luật tiền ảo ở Việt Nam chưa được ban hành cũng như chưa có cơ chế nào quy định về việc giao dịch tiền ảo trong thị trường. Và cũng như nhiều nước trên thế giới, sự phát triển ngày một nhanh và mạnh của loại tài sản này đã gây ra những khó phăn pháp lý nhất định đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam cần ban hành quy chế pháp lý để quản lý tiền ảo?
Khái quát về tiền ảo?
Tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số là loại là một loại tài sản ảo có giá trị điện tử, không được phát hành, kiểm soát bởi Chính phủ nào, mà được phát hành, kiểm soát, chấp nhận bởi các nhà phát triển, các thành viên của một cộng đồng ảo thông qua quá trình “đào” bằng cách sử dụng sức mạnh của công nghệ, được lưu giữ và xử lý bằng các ứng dụng hoặc phần mềm chuyên dụng. Tiền ảo tự hoạt động mà không cần bên thứ ba như ngân hàng, chính phủ quản lý. Việc trao đổi tiền ảo diễn ra qua Internet hoặc thông qua các mạng an toàn, chuyên biệt.
Là một hệ thống mở, khuyến khích quyền tự chủ, quyền tự kiểm soát dữ liệu của các cá nhân đối với tài sản hay thông tin cá nhân, một trong những mục tiêu của tiền ảo là giúp những người bị cấm tham gia vào hệ thống ngân hàng truyền thống có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ tài chính. Tiền ảo được tạo ra với kỳ vọng trở thành một loại tiền tệ điện tử để trao đổi giữa người mua với người bán mà không bị một cơ quan chức năng nào kiểm soát, không phải chịu bất kỳ hình thức kiểm duyệt nào so với các phương thức thanh toán truyền thống. Một số lợi ích nổi bật của tiền ảo có thể kể đến như tốc độ giao dịch nhanh, cách sử dụng đơn giản. Tuy nhiên, tiền ảo cũng có hạn chế về sự thiếu an toàn do không được các bên uy tín đảm bảo. Tính đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm về tài sản ảo, tiền ảo chưa được quy định trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào. Mặc dù tài sản ảo, tiền ảo đang được giao dịch phổ biến trên không gian mạng.
Một số loại tiền ảo phổ biến có mặt tại thị trường Việt Nam
Việt Nam hiện nay chưa công nhận cũng như chưa có văn bản pháp luật chính thức điều chỉnh trực tiếp về giao dịch tiền ảo nhưng tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 20 loại tiền ảo và tiền mã hóa phổ biến dựa trên cộng đồng người tham gia. Một số loại tiền ảo phổ biến hiện nay có thể kể:
- Bitcoin (BTC). Là loại tiền điện tử đứng đầu giới tiền ảo. Năm 2023 kết thúc, mở đầu năm 2024, Đồng tiền Bitcoin đã có mức tăng giá ấn tượng, tăng vọt 165% giá trị so với năm 2023 khiến cộng đồng tiền điện tử xôn xao với những kỳ vọng các xu hướng đầy hứa hẹn tiếp thêm sinh lực cho đồng Bitcoin. Bitcoin là một loại tiền mã hóa được phát minh vào năm 2008 và bắt đầu ra mắt thị trường vào tháng 1/2009, hoạt động dựa vào công nghệ Blockchain, có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Bitcoin có đặc điểm là phi tập trung, chống kiểm duyệt, an toàn và không biên giới. Các đặc điểm này khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các trường hợp sử dụng như chuyển tiền quốc tế và thanh toán, trong đó các cá nhân trong giao dịch không muốn tiết lộ danh tính. Ra mắt với giá cực thấp nhưng hiện tại, Giá Bitcoin hiện ở mức khoảng 45.000 USD . Các sàn giao dịch Bitcoin phổ biến hiện nay là Binance, Huobi Global, OKEx, FTX, và CoinTiger.
- Ethereum (ETH). Đứng sau Bitcoin, ETH là loại tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới theo tổng vốn hóa thị trường. Ethereum được giới thiệu vào cuối năm 2013 bởi một người chuyên nghiên cứu về lập trình tiền ảo có tên Vitalik Buterin và hệ thống được khởi động vào năm 2015. ETH được tạo ra với mục tiêu là trở thành một nền tảng dành cho việc phát triển Hợp đồng thông minh. Giá Ethereum ngày 01/01/2024 là khoảng $2,280.00 USD.
- Binance Coin (BNB). BNB đã ra mắt thông qua đợt chào bán đồng tiền mã hóa lần đầu vào năm 2017, 11 ngày trước khi sàn giao dịch tiền mã hóa Binance ra mắt. là một dạng tiền điện tử được sử dụng để giao dịch và thanh toán phí trên Binance. BNB có thể được sử dụng như một phương thức thanh toán, một token tiện ích để thanh toán phí trên sàn giao dịch Binance. BNB cũng cấp quyền cho Binance DEX (sàn giao dịch phi tập trung). Giá của BNB năm 2017 chỉ là 0,1 USD. Đến đầu tháng 1 năm 2024, giá của nó đã tăng lên khoảng $309.00 USD.
- Ripple (XRP). XRP là đồng tiền chạy trên nền tảng thanh toán kỹ thuật số gọi là RippleNet, nằm trên cơ sở dữ liệu sổ cái phân tán được gọi là XRP Ledger. RippleNet được điều hành bởi một công ty Ripple, Hiện tại, XRP có thể được sử dụng trên mạng Ripple để hoán đổi.các loại tiền tệ khác nhau, bao gồm tiền tệ fiat và các loại tiền điện tử lkhác.. Giá XRP ngày 01/01/2024 là khoảng $0.635 USD.
- Tether (USDT). Là loại tiền kỹ thuật số có giá trị phản ánh giá trị của đồng đô la Mỹ. Ra mắt vào năm 2014, ý tưởng đằng sau Tether là tạo ra một loại tiền mã hóa ổn định có thể được sử dụng như đồng đô la kỹ thuật số hoặc “stablecoin.“ Tether được neo giữ hoặc “gắn chặt,“ với giá của đồng đô la Mỹ. So với các loại tiền điện tử biến động giá không ngừng, sự ổn định của USDT mang lại cảm giác an tâm cho các nhà đầu tư.
- Cardano (ADA). Xuất hiện muộn hơn một chút so với các loại tiền điện tử khác nhưng ADA gây chú ý vì đã sớm áp dụng xác thực bằng chứng cổ phần (PoS). Phương pháp này giúp rút ngắn thời gian giao dịch và giảm sử dụng năng lượng, giảm ảnh hưởng đến môi trường bằng cách loại bỏ khía cạnh cạnh tranh và giải quyết vấn đề trong quá trình xác minh giao dịch như Bitcoin. ADA cũng hoạt động như Ethereum để cho phép hợp đồng thông minh và các ứng dụng phi tập trung. ADA có mức tăng trưởng tương đối khiêm tốn so với các loại tiền điện tử lớn khác. Giá ADA ngày 01/01/2024 là khoảng $0.63 USD.
- Doge coin (DOGE). DOGE Bắt đầu từ năm 2013 nhưng đã nhanh chóng phát triển thành một loại tiền điện tử nổi bật nhờ một cộng đồng tận tâm và các meme sáng tạo. Không giống như nhiều loại tiền điện tử khác, không có giới hạn về số lượng Doge có thể được tạo. Điều này khiến đồng tiền này dễ bị mất giá khi nguồn cung tăng lên. Giá Dogecoin ngày 01/1/2024 là khoảng $0.092 USD.
- Litecoin (LTC). LTC là một đồng tiền điện tử được tạo ra để cung cấp các khoản thanh toán nhanh chóng, an toàn và chi phí thấp bằng cách tận dụng các thuộc tính độc đáo của công nghệ blockchain. Đây là một đồng tiền điện tử được tạo dựa trên giao thức Bitcoin (BTC), nhưng lại khác về thuật toán băm được sử dụng, tổng số vốn tối đa, số lần giao dịch khối và một số yếu tố khác. Litecoin được phát hành thông qua một ứng dụng mã nguồn mở trên GitHub. Giá Litecoin ngày thời điểm đầu năm 2024 là khoảng $67.82 USD.
- Solana (SOL). SOL được phát triển để hỗ trợ sử dụng tài chính phi tập trung (DeFi), ứng dụng phi tập trung (DApp) và hợp đồng thông minh, SOL chạy trên cơ chế bằng chứng cổ phần (PoS) và bằng chứng lịch sử (PoH) để xử lý giao dịch nhanh chóng và an toàn. SOL cung cấp năng lượng cho nền tảng. Đến cuối ngày 1 tháng 1 năm 2024, giá đồng SOL là khoảng $102 USD.
- Polygon (MATIC). Được thành lập vào năm 2017, MATIC là một loại tiền điện tử tương đối phổ biến. Hiện tại, MATIC hỗ trợ hơn 7.000 ứng dụng phi tập trung (dApps). MATIC cũng đã có sự phát triển vượt bậc kể từ lần ra mắt đầu tiên. Giá ngày 01 tháng 01 năm 2024 của đồng tiền này đang giao dịch ở mức $1.07 USD.
Tiền ảo có được công nhận tại Việt Nam không?
Hiện nay các loại tiền ảo chưa được cho phép được giao dịch ở Việt Nam bởi không hề có văn bản pháp luật nào ghi nhận vấn đề này. Tuy tiền ảo được biết đến khá nhiều, căn cứ vào quy định pháp luật và các thể chế tại Việt Nam, có thể thấy Nhà nước và các tổ chức tài chính chính quy tại Việt Nam vẫn không công nhận tiền ảo như một loại tài sản. Do vậy, các giao dịch bằng tiền ảo tại Việt Nam được xem là hình thức giao dịch cá nhân, các đối tượng tham gia giao dịch bằng tiền ảo tự chịu mọi rủi ro phát sinh. Việc giao dịch này hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Trong xu thế phát triển của thế giới, tiền ảo ra đời với mục đích ban đầu như là một hình thức thanh toán cơ bản. Quan trọng nhất là tỷ lệ ảnh hưởng bởi lạm phát của tiền điện tử gần như bằng không so với các loại tài sản vật lý. Cho đến hiện tại, tiền ảo còn được dùng cho mục đích đầu tư và tích trữ khi khủng hoảng thị trường. Giá trị của tiền điện tử cũng như một loại tài sản, phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Có một số điểm hỗ trợ cho giá trị của tiền ảo là tính bảo vệ môi trường, tính bảo mật, tiện lợi. Và do vậy, với những tính năng ưu việt của tiền ảo, thêm vào đó xu hướng thương mại điện tử trong tương lai ngày càng tăng, khả năng tiền ảo sẽ được sử dụng chính thức trong giao dịch thanh toán là hoàn toàn khả thi.
Cần khung pháp lý hoàn thiện cho tiền ảo tại Việt Nam
Theo Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-C, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ–CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP cũng quy định: Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều 6. Và các hành vi bị cấm là: “ Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.
Hay theo quy định Tại Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, sửa đổi, bổ sung các năm 2013, 2014 và 2016, thì: Thuế giá trị gia tăng được hiểu là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hành hóa dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông hoặc tiêu dùng. Bất cứ hoạt động sản xuất, lưu thông hoặc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nào mà có phát sinh chênh lệch tăng thêm so với giá ban đầu đều phải chịu thuế giá trị gia tăng. Nên, tài sản ảo không phải chịu thuế giá trị gia tăng và người kinh doanh tiền ảo cũng không phải nộp thuế giá trị giá tăng theo quy định của luật trên. Và theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi, bổ sung các năm 2013 và 2014 thì tài sản ảo không phải là hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam nên thu nhập có được từ kinh doanh tiền ảo không không thuộc thu nhập chịu thuế.
Thực tế chưa có các văn bản pháp luật nào công nhận tiền ảo. Những dẫn chứng trên cho thấy tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số không phải là một loại tiền và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Và mặc dù tiền ảo chưa được công nhận, nhưng hiện nay các hoạt động giao dịch liên quan đến tiền ảo vẫn diễn ra. Chưa được công nhận nhưng hoạt động này vẫn tồn tại là một thực tế. Vì thế các giao dịch tiền ảo thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, liên quan đến lừa đảo, rửa tiền… Hậu quả là việc giải quyết các tranh chấp phát sinh có liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu hoặc thực hiện các giao dịch dân sự trở nên rất khó khăn do không thể yêu cầu tuân thủ quy định về định danh khách hàng và không thừa nhận tính pháp lý của việc sở hữu tài sản mã hóa cũng như thực hiện giao dịch có liên quan.
Sự xuất hiện của tiền ảo, tài sản ảo đã đặt ra những thách thức về mặt pháp lý mới cho các hệ thống pháp luật trên thế giới cũng như Việt Nam. Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng phát triển chung. Thị trường tiền điện tử nói chung cũng như việc đầu tư vào các loại tiền ảo ở Việt Nam nói riêng mang lại nhiều cơ hội tiềm năng với những khoản lợi nhuận lớn. Liên quan tới việc quản lý hoạt động sử dụng, mua bán, trao đổi, lưu thông tài sản ảo, tiền ảo, đây thật sự là một thách thức lớn. Đã đến lúc Việt Nam cần một khung pháp lý hoàn chỉnh cho tiền ảo?
Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com