Tìm Hiểu Quyền Và Nghĩa Vụ Của Người Lao Động Tại Việt Nam
Một hợp đồng lao động được ký kết phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện giao kết hợp đồng lao động đều phải có sự tự do thỏa thuận về các điều khoản ký kết, phải thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên với nhau. Điều này được pháp luật bảo vệ và ghi nhận trong Hiến pháp, được cụ thể hóa bằng Bộ Luật Lao động và các bộ luật khác liên quan. Tuy nhiên, trong quan hệ lao động, người lao động luôn ở vị thế yếu hơn, nên khi tham gia ký kết hợp đồng lao động ít nhiều ở thế bị động, làm theo sự hướng dẫn, điều động của bên sử dụng lao động, dẫn đến việc dễ bị xâm hại quyền và lợi ích chính đáng.
Hướng tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân, người lao động cần phải biết các quy định về quyền và nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện cũng như được hưởng theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới hạn chế gia tăng các hành vi vi phạm quyền của người lao động.
Người lao động là ai?
Người lao động là một bộ phận lớn người làm việc đóng vai trò đặc biệt trong sự phát triển kinh tế xã hội, là người tạo ra của cải vật chất để phục vụ cho cuộc sống và phát triển của xã hội. Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Người lao động là các cá nhân trực tiếp tham gia vào quá trình lao động, có thể là làm việc bằng sức lao động hay là lao động trí óc, thông qua hành vi lao động trên thực tế mà được trả lương, làm việc dưới sự quản lý của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp dành cho lao động chưa thành niên quy định tại Mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động 2019.
Người lao động là một bộ phận lớn người làm việc đóng vai trò đặc biệt trong sự phát triển kinh tế xã hội
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
Mối quan hệ lao động xác lập qua hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động là sự ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của các bên đối với bên còn lại. Người lao động có quyền và nghĩa vụ gì?
Quyền của người lao động được pháp luật ghi nhận tại Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Và tại Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định người lao động có quyền “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”.
Song song với quyền hạn, tại Khoản 2 Điều 5 của Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định các nghĩa vụ người lao động phải thực thi. Người lao động phải: Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác. Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Quyền của người lao động
Quyền của người lao động luôn được xem là một bộ phận quan trọng cấu tạo nên hệ thống các quyền con người nói chung. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có các quyền:
- Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể.
- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động.
- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đình công.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của người lao động
Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác.
- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi chấm dứt hợp đồng
Chấm dứt hợp đồng lao động là việc một trong hai bên hoặc cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động vì lý do nào đó thôi không tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết cùng nhau. Theo Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, việc chấm dứt hợp đồng xuất phát từ hai phía nhưng thuộc rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp nào, pháp luật cũng luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người lao động khi người lao động thực hiện chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng đúng luật, người lao động có các quyền và nghĩa vụ như sau:
Quyền của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Được xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và trả lại cùng với bản chính các giấy tờ đã giữ của người lao động. Cũng như phải cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu.
- Được hưởng trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc: Thông thường khi hợp đồng lao động chấm dứt, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp từ phía người sử dụng lao động nếu làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Tùy từng trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc.
- Trợ cấp mất việc: Là khoản chi trả từ phía người sử dụng lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp trong các trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động vì lý do thay đổi cơ cấu, suy thoái kinh tế, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi loại hình… Mức trợ cấp mất việc quy định tại Khoản 1 Điều 47 Bộ luật lao động 2019 được tính theo thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động. Mỗi năm làm việc tính bằng 1 tháng lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương thực tế.
- Trợ cấp thôi việc: Trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019: Khi hết hạn, khi hoàn thành công việc, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, người lao động bị kết án, tử hình, chết, mất tích, mất hành vi dân sự, đơn phương chấm dứt hợp đồng,… người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Mức trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động 2019 quy định được tính theo thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Mỗi năm làm việc tính bằng 1/2 tháng lương.
- Được thanh toán khoản tiền liên quan: Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi mỗi bên. Nghĩa là người sử dụng lao động nếu vẫn còn nợ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho người lao động. Người lao động sẽ được thanh toán các khoản tiền lương, tiền nợ, tiền bồi thường, tiền trợ cấp trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp đặc biệt cũng không quá 30 ngày.
Trách nhiệm của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động thông thường có phần trách nhiệm nhiều hơn người lao động. Tuy nhiên, người lao động cũng buộc phải thực thi trách nhiệm của mình. Đó là:
- Đảm bảo thời gian báo trước. Đây là trách nhiệm lớn nhất của người lao động khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động một cách đúng luật pháp. Theo quy định của pháp luật về chấm dứt hợp đồng lao động tại Điều 35 Luật Lao động 2019, khi người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
- Bồi thường nếu vi phạm hợp đồng. Nếu người lao động không thực hiện đúng thời gian báo trước, đồng nghĩa với việc là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, là vi phạm hợp đồng. Và như vậy người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc, mà còn phải có trách nhiệm bồi thường vi phạm hợp đồng cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 40 Luật Lao động 2019: Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.
Nếu vi phạm hợp đồng, người lao động phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Đơn phương chấm dứt hợp đồng là khi một bên tự ý muốn kết thúc giao kết lao động mà không cần sự chấp nhận của bên còn lại. Bên cạnh các quyền dành cho người lao động, quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động cũng được pháp luật ghi nhận. Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tuy nhiên phải tuân thủ quy định báo trước hoặc được phép không báo trước cho người sử dụng lao động biết.
Người lao động không cần báo trước: Người lao động không cần báo trước thời gian chấm dứt hợp đồng cho người sử dụng lao động trong các trường hợp sau:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động.
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động.
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Lao động.
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Người lao động phải báo trước: Trong trường hợp người lao động không thuộc các trường hợp được chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước như trên, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì cần phải thông báo cho bên sử dụng lao động biêt trước theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Lao động:
- Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ từ 12 tháng đến 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày đối với HĐLĐ dưới 12 tháng.
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động
Pháp luật cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật thì phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho người sử dụng lao động.
Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
- Không được trợ cấp thôi việc.
- Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động
Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động:
- Phân biệt đối xử trong lao động.
- Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Xây dựng quan hệ lao động
Theo giải thích tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có thể phân thành hai loại qua hệ lao động: quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.
Việc xây dựng quan hệ lao động được quy định tại Điều 7 Bộ luật Lao động 2019:
- Quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
- Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Công đoàn tham gia cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác được thành lập theo quy định của pháp luật có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Khi người lao động có kiến thức pháp luật, hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ dành người lao động được pháp luật quy định như thế nào thì sẽ biết tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, hạn chế những vi phạm, sai phạm pháp luật về lao động.
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.