Tìm Hiểu về Giấy Mời và Giấy Triệu Tập
Vụ việc ca sỹ Vy Oanh khiếu nại công an không đúng khi mời cô lên làm việc bằng giấy triệu tập vì cô cho rằng mình không phải là tội phạm. Trước đó, có hàng loạt giấy mời , giấy triệu tập được gửi đến cho các các nhân vật trong vụ lùm xùm về phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng, của nhà báo Hàn Ni, vụ Thiền am Bên Bờ Vũ Trụ…
Trong thực tế, có nhiều trường hợp công an cũng gửi thư mời, gửi giấy triệu tập ở nhiều vụ án hình sự khác. Khi nhận, nhìn chung trong nhận thức, nhiều người còn khá lúng túng, không biết xử lý thế nào cho đúng. Trong trường hợp nào sử dụng giấy mời, trường hợp nào sử dụng giấy triệu tập? ? Phải làm gì khi nhận được giấy mời, giấy triệu tập? Quyền và nghĩa vụ của công dân như thế nào khi được mời? Cũng như có được phép từ chối không đến khi nhận được giấy mời không? Để giúp quý vị hiểu thêm về giấy mời và giấy triệu tập, trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Giấy mời là gì?
Giấy mời là loại giấy tờ được sử dụng trong trường hợp cơ quan điều tra, tòa án… mời người có liên quan hoặc biết về vụ việc, vụ án đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án. Giấy mời phải ghi rõ đơn vị nào mời; họ tên, chỗ ở của người được mời; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai, số điện thoại liên hệ và để làm việc về nội dung gì.
Có được quyền từ chối không đến khi nhận được giấy mời không?
Thường thì giấy mời đượcc sử dụng trong giai đoạn chưa khởi tố vụ án hình sự và không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành. Do vậy, người có tên trong giấy mời được quyền lựa chọn giữa việc có mặt hay không có mặt theo nội dung, địa điểm ghi trên giấy mời. Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật nào quy định người dân khi nhận được giấy mời của Công an là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Vì không có tính chất bắt buộc nên việc không đến làm việc theo giấy mời không được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với cơ quan đã gửi giấy mời để có thể biết rõ việc mình có liên quan đến vụ việc, vụ án như thế nào.
Giấy triệu tập là gì?
Giấy triệu tập là loại giấy tờ được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự, dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với những người được triệu tập. Trường hợp vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trong trường hợp người nhận được giấy triệu tập không có mặt trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc bỏ trốn thì tùy đối tượng sẽ bị áp dụng những biện pháp khác nhau.
Trong tố tụng hình sự, thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán là những người có thẩm quyền ký và sử dụng giấy triệu tập. Trong tố tụng dân sự, hành chính thì chỉ có thẩm phán mới có thẩm quyền này.
Khi nào người dân được gửi giấy triệu tập?
Cơ quan có thẩm quyền triệu tập người dân lên làm làm việc nhằm mục đích thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên ngày càng có nhiều vụ mạo danh công an triệu tập người dân qua điện thoại với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần cảnh giác để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định.
Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 37 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, điều tra viên được gửi giấy triệu tập người dân lên làm việc trong những trường hợp sau:
- Triệu tập và hỏi cung bị can.
- Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
- Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ.
- Triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự.
Do vậy, nếu không phải là người tham gia tố tụng trong một vụ án hay vụ việc cụ thể, công dân không thể bị triệu tập. Trước khi triệu tập hoặc mời thì điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.
Giấy triệu tập bị can tại ngoại, giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến Cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần
Đối với tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, những người liên quan chỉ phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Trường hợp cần khai thác thông tin, công an chỉ được gửi giấy mời làm việc. Khi được công an mời lên làm việc thì người dân có quyền lên hoặc không lên bởi, hiện nay chưa có quy định chế tài áp dụng với những trường hợp này. Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày,… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín cửa cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời.
Phải làm gì khi nhận được giấy mời hay giấy triệu tập?
Cũng không nên quá hoang mang lo lắng khi nhận được giấy mời hay giấy triệu tập. Như đã trình bày ở phần trên. Khi nhận được giấy mời, công dân có thể đến hoặc không đến làm việc. Nhưng khi nhận được giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền thì bắt buộc công dân phải có mặt làm việc theo đúng thời gian, địa điểm , nội dung nhận ghi trên giấy.
Thực tế, giấy triệu tập cũng chỉ là loại giấy tờ để cơ quan tiến hành tố tụng liên hệ với người có liên quan mời đến làm việc với nhiều tư cách khác nhau chứ không có nghĩa triệu tập là đã phạm tội. Vậy nên cần đọc kỹ nội dung giấy triệu tập để hiểu mục đích triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và chấp hành đúng theo yêu cầu. Trong những trường hợp không chấp hành, theo Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015, tùy vào từng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có các biện pháp cưỡng chế, có thể áp dụng các biện pháp dẫn giải, áp giải và cả truy nã nếu bỏ trốn. Sau đây là một số việc nên làm khi có giấy triệu tập:
- Chuẩn bị tâm lý. Khi bị triệu tập, mời lên làm việc về một vấn đề liên quan thì người được triệu tập nên chuẩn bị sẵn tâm lý, bình tĩnh trả lời các câu hỏi của cơ quan công an.
- Đọc hiểu rõ nội dung ghi trong giấy triệu tập.Nội dung làm việc ghi rõ trong giấy triệu tập, do vậy người được triệu tập chỉ có trách nhiệm hợp tác, khai báo, làm việc trong phạm vi nội dung được đề cập tới trong giấy triệu tập.
- Liên hệ luật sư để được hỗ trợ. Tâm lý của người bị cơ quan công an mời thường hoang mang lo lắng. Vì thế nếu có thể thì nên báo cho luật sư để được hướng dẫn, hỗ trợ khi làm việc, sẽ an tâm hơn khi có luật sư đi cùng.
Có thể không đến khi được cơ quan công an triệu tập không?
Như đã trình bày, mọi công dân có trách nhiệm trình diện khi được cơ quan công an triệu tập. Người dân chỉ có quyền từ chối làm việc với cơ quan điều tra trong những trường hợp sau:
- Cơ quan điều tra yêu cầu sự hợp tác của người dân mà không có giấy mời, giấy triệu tập đúng quy định của pháp luật.
- Nội dung làm việc không được ghi trong giấy mời, giấy triệu tập.
- Trường hợp bắt giữ, cưỡng chế trái với quy định phạm luật, xâm phạm quyền con người được quy định trong hiến pháp. Trong những trường hợp trên, người dân có quyền từ chối làm việc với cơ quan công an. Hành vi từ chối này không vi phạm quy định của pháp luật mà đó là cách bảo vệ quyền con người quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.
Hiểu rõ trách nhiệm của công dân khi được cơ quan công an triệu tập, mời đến và thực hiện đúng là điều chúng tôi muốn mang đến cho quý vị qua bài viết. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com