Tố Cáo Sai Sự Thật Và Hậu Quả Pháp Lý
Trong đời sống xã hội, Nhà nước luôn ban hành các chính sách pháp luật để đảm bảo cho mọi hoạt động của Cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện đúng đắn. Đồng thời, cá nhân có quyền lên tiếng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến, cụ thể là quyền tố cáo đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng quy định pháp luật về quyền được tố cáo, dù biết sai sự thật vẫn cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng nhằm hạ thấp uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, pháp luật cũng quy định những chế tài để xử lý đối với các hành vi tố cáo sai sự thật.
Khái niệm tố cáo và tố giác tội phạm
Tố cáo
Theo Điều 2, Luật Tố cáo năm 2018, quy định: Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Tố giác tội phạm
Theo Khoản 1, Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, Tố cáo là quyền của cá nhân được phép báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để biết, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực nói chung. Còn Tố giác về tội phạm vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của cá nhân báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi có dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Về bản chất, tố giác về tội phạm cũng là tố cáo, nhưng hành vi bị tố cáo ở đây là hành vi có dấu hiệu tội phạm và được Cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục Tố tụng hình sự.
Quyền và trách nhiệm của người tố cáo
Để bảo đảm cho việc tố cáo được thực hiện đúng theo quy định, khuyến khích việc tố cáo đúng sự thật và ngăn ngừa việc tố cáo sai sự thật, Luật tố cáo năm 2018, đã quy định các quyền và nghĩa vụ của người tố cáo. Cụ thể:
(i) Khoản 1, Điều 9, Luật tố cáo năm 2018, quy định quyền của người tố cáo:
- Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;
- Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
- Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
- Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;
- Rút tố cáo;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
- Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
(ii) Bên cạnh các quyền nêu trên, Khoản 2 Điều 9 Luật tố cáo năm 2019 cũng quy định nghĩa vụ của người tố cáo, cụ thể:
- Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này;
- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;
- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Thế nào là Tố cáo sai sự thật?
Việc tố cáo đúng có ý nghĩa và giá trị rất lớn, giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm, bảo đảm kỷ cương phép nước, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tình trạng đơn thư tố cáo sai sự thật vẫn tồn tại rất nhiều, thậm chí còn phổ biến hiện tượng đơn thư nặc danh, mạo danh… Không ít trường hợp, cá nhân lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, tố cáo sai sự thật ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự và gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội.
Tố cáo sai sự thật mà bài viết đề cập đến ở đây là hành vi thực hiện với lỗi cố ý, có thể được hiểu là cá nhân mặc dù biết rõ nội dung tố cáo của mình là không đúng với sự thật, không có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra hoặc không phải do người bị tố cáo thực hiện, nhưng vì động cơ, mục đích cá nhân đã bịa đặt, loan truyền thông tin này và tố cáo đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, làm mất uy tín, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo.
Tại Điều 8 Luật tố cáo quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo, trong đó có quy định cấm: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật.
Hậu quả pháp lý của việc tố cáo sai sự thật
Cố ý tố cáo sai sự thật có thể gây ra ảnh hưởng lớn, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo, cũng như gây mất an ninh trật tự, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Do đó, pháp luật quy định cấm đối với hành vi này. Đồng thời, Điều 65 Luật tố cáo cũng quy định xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo và những người khác có liên quan: Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm hình sự
Cố ý tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý về tội “Vu khống”, quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.
Hành vi vu khống được xác định là: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, nếu một người cố ý tạo ra và loan truyền những thông tin sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc đưa ra thông tin giả về việc người khác phạm tội và tố cáo họ với cơ quan có thẩm quyền thì phạm tội này.
Tuy nhiên, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Như vậy, nếu không có các tình tiết định khung tăng nặng tại Khoản 2, Khoản 3, thì người bị tố cáo sai sự thật phải yêu cầu, Cơ quan chức năng mới được khởi tố về tội Vu khống đối với người có hành vi tố cáo sai sự thật.
Tùy tính chất, mức độ thực hiện hành vi và hậu quả xảy ra, người phạm tội Vu khống có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trách nhiệm hành chính
Đối với hành vi tố cáo sai sự thật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử lý về hành chính theo các quy định sau:
Điều 9 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH có hiệu lực từ ngày 1/9/2022 quy định xử phạt đối với hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và có thể bị phạt bổ sung bằng hình thức Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Ngoài ra, trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, nếu biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm dân sự
Như đã trình bày ở trên, người tố cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật gây ra.
Điều 592 Bộ luật Dân sự quy định: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, ngoài việc có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, người cố ý tố cáo sai sự thật gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Tố cáo là quyền của cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết để xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không được vì động cơ, mục đích cá nhân mà lợi dụng quyền này để tố cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, nếu không, tùy tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Mặt khác, trong trường hợp cá nhân bị người khác tố cáo sai sự thật có thể thực hiện các hành động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình bằng cách thu thập đầy đủ các bằng chứng liên quan việc bị tố cáo sai, tham vấn ý kiến của luật sư, trình báo, tố giác đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xử lý đối với người tố cáo sai sự thật. Ngoài ra, có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi tố cáo sai sự thật gây ra đối với mình.
Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.