Công đoàn Cơ sở & Tổ chức của Người lao động tại Doanh nghiệp

Hannah Huynh

Từ Bộ luật Lao động đầu tiên ra đời vào năm 1994 cho đến trước thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Lao động năm 2012 thì ‘công đoàn’ là tổ chức duy nhất đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Khi Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thì sử dụng thuật ngữ “Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”, tuy nhiên, bản chất của tổ chức này vẫn là “Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.” Do đó, vẫn là bình mới rượu cũ.

Chỉ đến khi Bộ luật Lao động năm 2019 ra đời, thì chính thức có thuật ngữ “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”, trong đó bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 3.3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tư nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.”

Vì sao có sự Ra đời của “Tổ chức của Người lao động tại Doanh nghiệp”, bên cạnh Công đoàn

Thực tiễn đã chứng minh vai trò của Công đoàn chưa hoạt động hiệu quả, không thực hiện tốt chức năng là một tổ chức đại diện độc lập cho quyền và lợi ích của người lao động vì tổ chức và cơ chế vẫn lệ thuộc vào doanh nghiệp:

  • Các lãnh đạo của Công đoàn cơ sở là người lao động của doanh nghiệp, nhận lương và phúc lợi từ doanh nghiệp, nên vẫn bị chi phối và chịu ảnh hưởng từ sự chỉ đạo của doanh nghiệp. Dẫn đến không thể khách quan và độc lập, mạnh dạn trong việc bảo vệ lợi ích của tập thể người lao động một cách triệt để và công bằng.
  • Người lao động không muốn tham gia Công đoàn vì phải đóng đoàn phí công đoàn trong khi không hiểu rõ và nhận thức được tính hiệu quả, lợi ích thực tế của việc trở thành thành viên của Công đoàn.
  • Nguồn tài chính cho hoạt động của Công đoàn cũng lệ thuộc rất lớn vào khoản kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng góp hàng tháng (2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động). Nhiều doanh nghiệp hiểu sai là không thành lập Công đoàn thì không cần đóng kinh phí công đoàn, nên rất nhiều doanh nghiệp không mong muốn thành lập Công đoàn.
  • Việc thừa nhận tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đại diện người lao động ở doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở là không phù hợp với quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), không đảm bảo tính tự nguyện (tự do) trong tham gia tổ chức đại diện do người lao động lựa chọn; cụ thể là theo Công ước 87 năm 1948 về quyền tự do lập hội và về việc bảo vệ quyền tổ chức, và Công ước 98 năm 1949 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Khi người lao động chưa thành lập hoặc gia nhập Công đoàn thì họ chưa ủy quyền cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thay mặt họ để đại diện và bảo vệ họ trong quan hệ lao động. Thậm chí đối với các cá nhân không gia nhập Công đoàn cơ sở, cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định họ đã uỷ nhiệm Công đoàn cơ sở đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
  • Các quốc gia là thành viên của ILO cũng mong muốn đảm bảo các tiêu chuẩn, quy ước chung của ILO đều được đáp ứng, thậm chí là tốt hơn. Ví dụ như Mỹ, các tập đoàn, công ty của Mỹ khi tiến hành kinh doanh tại Việt Nam, đều mong muốn các sản phẩm mà họ đặt hàng gia công tại Việt Nam được sản xuất trên tinh thần lao động tự nguyện, bình đẳng, không đàn áp và bóc lột, tôn trọng quyền con người, nhân phẩm trong lao động. Do đó, để bảo vệ các quyền con người trong lao động, đòi hỏi phải có một tổ chức độc lập và sẵn sàng làm tốt nhất vì lợi ích của người lao động; tổ chức này không thể bị chi phối, ảnh hưởng bởi doanh nghiệp. Ví dụ: trong quá khứ thực tiễn, đã từng có những doanh nghiệp sản xuất may mặc của các doanh nghiệp nước ngoài (từ các nước Châu Á) đã đối xử bất công, bạo lực đối với người lao động; những doanh nghiệp này nhận đơn hàng từ tập đoàn N và khi tập đoàn N biết được, đã tiến hành rà soát, kiểm tra, đề nghị thay đổi, ngăn chặn vấn đề này trong sản xuất của các nhà máy gia công hàng cho tập đoàn N; đó là lý do tập đoàn N đã mở văn phòng đại diện tại các nước có các doanh nghiệp gia công cho hàng hoá của N để nhằm giám sát sâu sát thực tiễn tại địa phương để đảm bảo hàng hoá được kinh doanh dưới tên của N đều đảm bảo các quy chuẩn tối thiểu của ILO hoặc thậm chí tốt hơn.

Hơn nữa, Việt Nam ngày càng năng động và chứng tỏ mình là một thành viên tích cực, tiến bộ trong cộng đồng quốc tế, và hội nhập để phát triển đã được Đảng chủ trương hoá thông qua Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016. Tại tiểu mục 2.10 của Nghị quyết đã quy định “Ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước để đổi mới, tăng cường quản lí có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công. Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lí nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị – xã hội.” Do đó, điểm tiến bộ nổi bật nhất của Bộ luật Lao động năm 2019 là đã thừa nhận hai hình thức tồn tại của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm: công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Quy định đã thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong xu thế hội nhập quốc tế.

Thành lập “Tổ chức của Người lao động tại Doanh nghiệp”

Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức này có điều lệ riêng, và có nguồn tài chính độc lập với Công đoàn cơ sở. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp. Điểm đáng lưu ý là, trong một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không đồng thời có thành viên là người lao động thông thường và thành viên là người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng lao động, kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác.

Mặc dù các quy định của Bộ luật Lao động 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đã có hiệu từ ngày 01/01/2021 nhưng cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập. Lý do là vì việc thành lập, gia nhập và hoạt động của các tổ chức này như thế nào vẫn cần phải đợi hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, như hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền đăng ký thành lập; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp,… Mong rằng Chính phủ sẽ nhanh chóng ban hành các hướng dẫn cần thiết để các quy định của Bộ luật Lao động 2019 sớm đi vào thực tiễn để giúp bảo vệ hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn lợi ích của tập thể người lao động.