Tóm Tắt Bản Án Số 05.2018.KDTM-PT Về Tranh Chấp Giữa Thành Viên Công Ty Với Công Ty

Vania Van

Bản án số : 05/2018/KDTM-PT  

Nguyên đơn: Công ty cổ phần đầu tư V.

Bị đơn: Công ty cổ phần O.

V/v: Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

 

Nguyên đơn: Công ty cổ phần đầu tư V.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty Cổ phần đầu tư O (Viết tắt là Công ty O), Công ty cổ phần V (Viết tắt là Công ty V), cổ đông sở hữu 144.890 cổ phần, tương đương 30,45% vốn Điều lệ của Công ty cổ phần O nhận thấy đại hội không được thực hiện đúng quy định của pháp luật, có một số sai phạm. Cụ thể:

  • Tài liệu đại hội được gửi trực tiếp tại đại hội.  Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 24 Điều lệ Công ty O và khoản 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2014 về việc phải gửi tài liệu đại hội kèm thông báo mời họp trước ít nhất 10 ngày.
  • Điều lệ Công ty O được thông qua ngày 02/02/2016 có nhiều điểm trái với Luật Doanh nghiệp 2014, nên việc Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Công ty O căn cứ vào quy định tại Điều lệ để thông qua các nội dung biểu quyết tại Đại hội là trái quy định, gây tổn hại đến quyền và lợi ích của các cổ đông.  Điều 144 Luật Doanh nghiệp quy định bắt buộc phải có đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu của Hội đồng cổ đông tham dự biểu quyết tán thành thì Nghị quyết ĐHĐCĐ mới được thông qua. Trong khi đó Điều 20 khoản 3 và Điều 26 khoản 1, khoản 2 Điều lệ công ty quy định cả hai tỷ lệ sở hữu đại diện cho tổng số cổ phần của Công ty để thông qua Nghị quyết đại hội cổ đông là 50% hay 51%.  Mặt khác, Điều lệ sai cũng đã vi phạm nghiêm trọng thể thức ra quyết định của ĐHĐCĐ thường niên 2016 trong việc biểu quyết thông qua nội dung tờ trình 01/TTr-HĐQT về kế hoạch phương án phát hành cổ phiếu ESOP, gây thiệt hại trực tiếp và nghiêm trọng cho những cổ đông bên ngoài không tham gia vào bộ máy quản trị, điều hành Công ty.
  • Sai phạm liên quan đến việc kiểm tra phiếu biểu quyết tại đại hội. Có nhiều phiếu không hợp lệ theo quy chế biểu quyết nhưng vẫn được ghi nhận, dẫn đến làm sai lệch kết quả, gây thiệt hại cho cổ đông. Sau đó, theo Khoản 3 Điều 146 Luật doanh nghiệp 2014 quy định“Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi đến tất cả cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc họp” nhưng Công ty V không nhận được biên bản.

Công ty V khởi kiện yêu cầu Tòa án: Hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần O do trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ không thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật Doanh nghiệp. Vô hiệu hóa một phần điều lệ sai, sửa Điều 20 và 26 Điều lệ công ty đúng với quy định pháp luật hiện hành. Dừng phát hành cổ phiếu theo tờ trình số 01/TTr – HĐQT. Bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đương nhiệm, nhiệm kỳ 2016- 2020 do đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ quản lý, cố ý làm trái quy định pháp luật doanh nghiệp. Đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường các chi phí thiệt hại cho nguyên đơn khi tham gia tố tụng là 60.000.000 đồng.

 

Bị đơn: Công ty cổ phần O

Yêu cầu hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết của Đại hội đằng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22/3/2017 của Công ty  O từ Công ty V là không có căn cứ bởi lẽ:  Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được ban hành khi đạt được 68% số cổ phần biểu quyết đồng ý thông qua. Việc biểu quyết và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần O đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật và Điều lệ của Công ty.  Điều lệ của Công ty cổ phần O đã được đăng ký chính thức tại Sở kết hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Lắk, tuân thủ đầy đủ các quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014.  Yêu cầu sửa đổi Điều lệ của Công ty V là không có căn cứ.  Đối với yêu cầu bãi nhiệm các thành viên HĐQT, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT phải được ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua trên cơ sở quy định của Điều lệ Công ty và của Luật Doanh nghiệp. Việc gửi biên bản họp đại hội cổ đông sau kết thức phiên Đại hội được thực hiện đúng quy định.  Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty V nếu có, không phải do lỗi của HĐQT nên HĐQT không có nghĩa vụ phải bồi thường. HĐQT đã tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật nên đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

 

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định:

Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư V.  Hủy toàn bộ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 ngày 22/3/2017 của Công ty O.  Không chấp nhận các yêu cầu còn lại của nguyên đơn.  Công ty O kháng cáo.

 

Nhận định của Tòa án

Trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo quy định pháp luật của luật này và Điều lệ Công ty O, do đó Công ty V yêu cầu hủy toàn bộ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 ngày 22-03-20017 của Công ty O là có căn cứ.

Kết quả bỏ phiếu tại biên bản ĐHĐCĐ ngày 22-3-2017 của Công ty cổ phần O về nội dung cổ phiếu chào bán cho cán bộ chủ chốt không khách quan, bởi lẽ đối tượng được lựa chọn phân phối cổ phiếu cũng là đối tượng biểu quyết qua bỏ phiếu là vi phạm Khoản 2 Điều 36 Thông tư 162/2015 TTBTC ngày 26-10-2015 của Bộ tài chính.

Công ty cổ phần O đã vi phạm về trình tự, thủ tục triệu tập ĐHĐCĐ theo Khoản 1 và khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp, không phải là trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết và vấn đề này là căn cứ để Công ty  V yêu cầu hủy toàn bộ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 ngày 22-03-2017 của Công ty O.

 

Quyết định của Tòa án

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần O.  Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/DS-ST ngày 21/9/2017.

Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Công ty V. Hủy toàn bộ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 ngày 22/3/2017 của Công ty cổ phần O.  Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện còn lại của Công ty V. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện buộc Công ty O dừng phát hành cổ phiếu.  Công ty Đầu tư V và Công ty O phải chịu mỗi công ty 3.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.  Riêng Công ty O chịu thêm 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.  Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo.

 

Căn cứ pháp lý

Căn cứ khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37, Điều 147, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1, khoản 3 Điều 139, Điều 143, khoản 1 Điều 144, khoản 1 Điều 147, Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Điều 36 Thông tư 162/2015/TT-BTC của Bộ tài chính.