Tổng Quan Về Các Loại Hợp Đồng Lao Động Hiện Hành Tại Việt Nam

Vania Van

Thực tế rất nhiều người trong độ tuổi lao động khi thực hiện ký kết hợp đồng lao động lao động là vì yêu cầu của người sử dụng lao động, vì tuân thủ pháp luật chứ không hẳn đã hiểu rõ về hợp đồng lao động cụ thể như thế nào. Hợp đồng lao động là tâm điểm của pháp luật lao động. Thông qua hợp đồng lao động quyền và lợi ích cũng như trách nhiệm của các bên được thiết lập và xác định rõ ràng, giúp hạn chế phát sinh những mâu thuẫn trong quá trình làm việc và thực thi hợp đồng lao động cũng như góp phần ổn định trật tự xã hội trong lao động.

Trong từng thời điểm, thời gian công việc sẽ có các loại hợp đồng lao động khác nhau, được ký kết bởi hình thức khác nhau. Phải hiểu rõ để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp, cũng như tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động là yêu cầu cần thiết đối với mọi người. Bài viết sau sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan về các loại hợp đồng lao động hiện hành.

Các loại hợp đồng lao động hiện hành

Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động là sợ dây ràng buộc trách nhiệm của mỗi bên. Hợp đồng có chức năng bảo vệ quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động, tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Mối quan hệ lao động giữa người lao động và bên sử dụng lao động được đảm bảo, cũng như  sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp được thể hiện thông qua hợp đồng.

Theo định nghĩa tại  Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả tiền công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Hợp đồng có thể được giao kết bằng văn bản, lời nói hay phương tiện điện tử. Hai bên có thể ký kết thỏa thuận dựa trên điều kiện riêng đặc thù nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật lao động. Nội dung chính của hợp đồng sẽ bao gồm tổng thể các thông tin cá nhân, quyền và nghĩa vụ của các bên theo Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn thi hành bởi Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động, bao gồm:  Thông tin của người sử dụng lao động, thông tin người lao động,   công việc và địa điểm làm việc, thời hạn của hợp đồng lao động, mức lương và các khoản phụ cấp, chế độ, nâng bậc và nâng lương, bảo hiểm xã hội và, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc và  thời giờ nghỉ ngơi, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên, điều khoản về chấm dứt hợp đồng và những thỏa thuận khác…

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, có hai loại hợp đồng lao động được áp dụng là hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn. Chi tiết:

  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn:Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Tại Việt Nam quy định 2 loại hợp đồng lao động chính là xác định thời hạn và không xác định thời hạn

Hình thức của hợp đồng lao động

Tùy vào vị trí lao động, yêu cầu, đối tượng lao động khác nhau mà hợp đồng có thể giao kết dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử hoặc cả bằng lời nói theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019, Tuy nhiên:

  • Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
  • Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật  Lao động 2019. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết trong hợp đồng.

Nguyên tắc giao kết của hợp đồng lao động.

Khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2019:  Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Nguyên tắc bình đẳng

Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là bình đẳng, cả hai có cùng trị trí ngang nhau khi giao kết hợp đồng. Không có sự phân biệt cao thấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bất kỳ hành vi nào tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể luôn bị coi là vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong thực tế đôi khi không thể tránh khỏi việc khi tham gia hợp đồng lao động, các chủ thể không hoàn toàn bình đẳng với nhau vì mối tương quan lệ thuộc. Vì vậy nguyên tắc bình đẳng chỉ được nhấn mạnh ở khía cạnh pháp lý.

Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận

Tương tự như nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc tự do, tự nguyện trong giao kết hợp đồng lao động là sự cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo sự tự nguyện lựa chọn việc làm, lựa chọn nơi làm việc của người lao động.

Khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, các chủ thể hoàn toàn tự do về mặt ý chí trong việc thực hiện giao kết hợp đồng lao động, bất kể hành vi lừa gạt, cưỡng bức, o ép đều có thể làm cho hợp đồng bị vô hiệu. Tuy nhiên, tuân thủ nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận, nhưng hợp đồng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Khuôn khổ đó chính là chuẩn mực về đạo đức, không trái với pháp luật và quy định tại thỏa ước lao động tập thể.

Nguyên tắc không trái pháp luật và thỏa ước lao động tập thể

Pháp luật đặt ra và buộc mọi người phải tuân thủ. Tuân thủ theo quy định của pháp luật giúp ổn định và xây dựng nền tảng trật tự xã hội trong lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đây là nguyên tắc chung. Nguyên tắc này không những đảm bảo cho quyền và lợi ích của các bên tham gia hợp đồng mà còn đảm bảo không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác có liên quan và lợi ích chung của xã hội.

Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động

Trong rất nhiều trường hợp, khi xảy ra mâu thuẫn, hai bên cùng nhau tranh chấp hợp đồng lao động tại tòa án mới phát hiện ra sai đối tượng giao kết hợp đồng lao động. Người giao kết hợp đồng không đúng thẩm quyền. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các bên, đặc biệt là người lao động. Ai có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động?

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động 2019, thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động quy định như sau:

  • Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
  • Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
  • Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
  • Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:  Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
  • Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:  Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên. Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó. Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó. Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
  • Và lưu ý quy định, người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

Thẩm quyền giao kết hợp đồng là điểm lưu ý không kém phần quan trọng, quyết định cho việc giao kết hợp đồng có hợp pháp hay không. Hợp đồng chỉ hợp pháp khi được ký kết đúng bởi người có thẩm quyền như các trường hợp nêu trên.

Giải quyết như thế nào khi hết hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn nhưng người lao động vẫn làm việc?

Theo Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019,  khi hợp đồng lao động xác định thời hạn  đã hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện theo quy định  sau:

  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết.
  • Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
  • Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019 là:  Người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước. Người lao động là người cao tuổi. Người lao động là nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

Như vậy, khi hợp đồng lao động xác định hết thời hạn thì cách giải quyết là phải giao kết lại hợp đồng lao động mới. Trường hợp hợp đồng lao động xác định thời hạn đã hết thời hạn 30 ngày nhưng hai bên không ký kết lại hợp động mới thì hợp đồng đã ký trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Hợp đồng lao động được ký kết trên nguyên tắc tự nguyện, tự do, đúng quy định của pháp luật lao động. Tất cả những hành vi vi phạm về giao kết hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt theo các quy định về xử phạt về vi phạm, sai phạm trong lao động. Hiểu rõ tổng quan về hợp đồng lao động sẽ giúp hạn chế những vi phạm, sai phạm pháp luật về lao động, đảm bảo tôn trọng lợi ích và quyền lợi của các bên tham gia thực hiện giao kết hợp đồng lao động.

Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  info@letranlaw.com.