Trách Nhiệm Hình Sự Liên Quan Đến Các Sai Phạm Trong Lĩnh Vực Chứng Khoán

Stephen Le
Philip Bui

Cùng với quá trình phát triển của Công nghệ, Chứng khoán trở thành một kênh thu hút được nhiều nhà đầu tư bởi không đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính thanh khoản, khả năng sinh lợi nhuận cao trong thời gian ngắn… Tuy nhiên, đây cũng là kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, để đảm bảo hoạt động của thị trường chứng khoán diễn ra công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, Nhà nước đã ban hành nhiều Văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động cũng như xử lý đối với các sai phạm trong lĩnh vực này, bao gồm cả xử lý về trách nhiệm hình sự.

Nhận thức chung về Chứng khoán, Thị trường chứng khoán và Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Chứng khoán:

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019, Chứng khoán là tài sản bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Những loại tài sản này có điểm chung là một bằng chứng xác nhận sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư với tài sản của doanh nghiệp hoặc tổ chức phát hành.

Thị trường chứng khoán:

Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động phát hành, giao dịch, mua bán, trao đổi các loại Chứng khoán.

Khác với hàng hóa thông thường được trao đổi, mua bán tại một địa điểm nhất định, Chứng khoán được giao dịch chủ yếu tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc thông qua các Công ty môi giới chứng khoán.

Tội phạm trong lĩnh vực Chứng khoán.

Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán có thể được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý xâm phạm đến Trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực Chứng khoán và phải bị xử lý về mặt hình sự.

Đặc điểm:

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến lĩnh vực Chứng khoán thường là những người có trình độ, có sự am hiểu sâu sắc về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán, hoặc có thể là những người có chức vụ, quyền hạn tham gia trong quản lý, điều hành, vận hành thị trường, Doanh nghiệp, có thể dễ dàng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội;

Ngoài ra, họ thường có sự hiểu biết về công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo các phương tiện điện tử, mạng internet, đây cũng là công cụ, phương tiện quan trọng để thực hiện tội phạm;

Tội phạm được thực hiện với phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường có sự cấu kết chặt chẽ, có sự chỉ đạo thống nhất, nên rất khó bị phát hiện;

Các sai phạm cụ thể trong lĩnh vực chứng khoán cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Thị trường chứng khoán, góp phần tích cực trong sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế, đem lại hiệu quả cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các chủ thể tham gia trong lĩnh vực này. Bên cạnh các kết quả đạt được, Thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung còn non trẻ, chưa hoàn chỉnh về hệ thống pháp luật, thiếu kinh nghiệm trong quản lý của các cơ quan chức năng nên dễ bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.

Điển hình là trong thời gian vừa qua, nhiều Tập đoàn, Công ty và cá nhân đã thực hiện các hành vi sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán để thu lợi bất chính, gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà đầu tư, đã bị Cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố, xử lý theo Pháp luật hình sự.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định 04 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, cụ thể:

Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, quy định tại Điều 209.

Hành vi khách quan của tội này được xác định là: công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán, mà hậu quả gây thiệt hại cho Nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích thì phạm tội này.

Hành vi trên do các chủ thể là đối tượng công bố thông tin được hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020, của Bộ Tài Chính thực hiện với lỗi cố ý.

Về hình phạt: tùy theo hậu quả thiệt hại cho Nhà đầu tư, số tiền thu lợi bất chính hoặc có các tình tiết định khung tăng nặng, hình phạt được áp dụng cho tội này là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 2.000.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với Pháp nhân thương mại: tùy tính chất mức độ, có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, quy định tại Điều 210.

Hành vi khách quan tội này được xác định là: chủ thể biết và sử dụng thông tin nội bộ là những thông tin về tình hình hoạt động, kinh doanh liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin này mà thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng trở lên.

Hành vi trên được thực hiện với lỗi cố ý của chủ thể, mục đích để thu lợi bất chính.

Lưu ý, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau: Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Chứng khoán.

Quỹ đại chúng là quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng. Đây được xem là một quỹ được thành lập nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào một số loại tài sản như chứng khoán, giấy tờ có giá,…Nguồn vốn của quỹ được huy động thông qua việc phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng.

Về hình phạt: Tùy theo số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư, phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm, mức phạt sẽ từ 500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Đối với Pháp nhân thương mại: tùy tính chất mức độ, có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211.

Đây là loại tội phạm bị phát hiện và xử lý phổ biến trong lĩnh vực chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán; có thể được hiểu là các hành vi gian lận có sự tính toán nhằm ngăn cản việc xác định giá thực tế của một loại chứng khoán trên thị trường, tạo cung cầu giả, ảnh hưởng đến thị giá để lừa các nhà đầu tư, thao túng giá chứng khoán, gây thiệt hại cho thị trường chung. Cụ thể các hành vi sau được xác định là các hành vi khách quan của tội thao túng thị trường chứng khoán:

  • Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
  • Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
  • Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
  • Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
  • Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
  • Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Các hành vi trên được xác định là tội phạm khi thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán được chủ thể thực hiện với lỗi cố ý.

Về hình phạt: Tùy theo số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư, phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm, mức phạt sẽ từ 500.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Đối với Pháp nhân thương mại: tùy tính chất mức độ hành vi phạm tội, có thể bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Ngoài ra, còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, quy định tại Điều 212

Chào bán chứng khoán bao gồm chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết.

Theo Luật chứng khoán và các Nghị định, Thông tư liên quan, việc chào bán, niêm yết chứng khoán phải đảm bảo các quy định, trong đó có quy định về mặt hồ sơ.

Hành vi khách quan trong tội này được xác định là chủ thể đã sử dụng các phương pháp, thủ đoạn khác nhau để tạo ra tài liệu giả mạo, không phải do Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hành hoặc làm cho các tài liệu bị sai hoặc khác hơn so với tài liệu gốc để đưa vào hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Hành vi làm giả tài liệu này có quan hệ trực tiếp đến hậu quả xảy ra là thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì được xem là tội phạm.

Hành vi làm giả tài liệu này được chủ thể thực hiện với lỗi cố ý.

Về hình phạt: Tùy theo số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư, phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm, mức phạt sẽ từ 500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Tội phạm khác có liên quan trong lĩnh vực Chứng khoán

Ngoài các tội danh nêu trên, trong lĩnh vực Chứng khoán còn tiềm ẩn nhiều loại tội phạm khác. Các tội phạm này không trực tiếp xâm phạm đến khách thể là trật tự quản lý kinh tế trên lĩnh vực chứng khoán, nhưng đã lợi dụng thị trường và các hoạt động liên quan đến Chứng khoán như một công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm vào các quan hệ xã hội khác mà Luật hình sự bảo vệ như: Tội rửa tiền, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tội tham ô tài sản… với phương thức, thủ đoạn tinh vi, làm tội phạm khó bị phát hiện, xử lý.

Do đó, các Doanh nghiệp, Cổ đông, Nhà đầu tư ngoài việc trang bị các kiến thức liên quan đến Thị trường chứng khoán để mang lại hiệu quả đầu tư, kinh doanh, cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này.

Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  info@letranlaw.com.