Tranh Chấp Chuyển Nhượng Cổ Phần – Những Điều Lưu Ý
Trong quá trình hoạt động và phát triển của loại hình doanh nghiệp cổ phần, việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông trong doanh nghiệp là hoạt động diễn ra khá phổ biến, giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động được nguồn vốn, tăng sức mạnh tài chính theo nhu cầu. Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực cũng tạo cơ hội cho việc chuyển nhượng cổ phần diễn ra suôn sẻ, dễ dàng khi bỏ bớt những quy định không còn phù hợp mà vẫn đảm bảo được quyền và lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ. Thế nhưng, bên cạnh sự thuận lợi, chính sự nới lỏng này cũng chứa đựng nhiều rủi ro đi kèm. Các tranh chấp xoay quanh vấn đề chuyển nhượng cổ phần ngày càng nhiều hơn. Mức độ phức tạp cũng ngày càng gay gắt hơn. Thực tế không hiếm vụ tranh chấp chuyển nhượng cổ phần đã phải giải nhờ cả đến tòa án giải quyết. Dựa vào những kinh nghiệm đúc kết được từ các vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, chúng tôi đưa ra một số vấn đề mà các cổ đông, công ty cổ phần cần lưu ý để tránh xảy ra xung đột, tranh chấp khi thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần vốn góp.
Chuyển nhượng cổ phần là gì?
Khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 cho phép: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.
Thực tế, luật pháp chưa có định nghĩa cụ thể về việc chuyển nhượng cổ phần, nhưng căn cứ vào những quy định của pháp luật có thể hiểu chuyển nhượng cổ phần bản chất là quan hệ mua bán, cho tặng cổ phần giữa cổ đông của công ty với người khác. Là việc làm thay đổi số lượng cổ phần cổ đông đang nắm giữ cho người khác thông qua việc mua bán, cho tặng, thừa kế…
Việc chuyển nhượng cổ phần là tự do, trừ các trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng khác được và không làm thay đổi vốn điều lệ của công ty, nhưng phải tuân theo những quy định của pháp luật và điều lệ của công ty.
Các trường hợp chuyển nhượng cổ phần thực tế
Thực tế, việc chuyển nhượng cổ phần thường được thực hiện trong các trường hợp:
- Trường hợp chuyển nhượng cổ phần thông thường. Chuyển nhượng cổ phần thông thường là hoạt động mua bán phần cổ phần mà cổ đông của công ty sở hữu. Người muốn mua cổ phần của công ty có thể mua trực tiếp khi công ty chào bán cổ phần hoặc nhận chuyển nhượng từ cổ đông khác. Đây là một loại giao dịch trên sự thỏa thuận giữa cổ đông là người muốn bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình và người muốn mua cổ phần để trở thành cổ đông của công ty.
- Trường hợp chuyển nhượng cổ phần ưu đãi. Điểm khác nhau giữa các loại cổ phần này và cổ phần phổ thông là cổ phần phổ thông do cổ đông hoàn toàn có quyền biểu quyết còn các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi thì không có quyền quan trọng đó. Đối với các loại cổ phần ưu đãi, việc chuyển nhượng hoàn toàn mang tính chất tùy nghi và do Điều lệ công ty quy định.
- Trường hợp chuyển nhượng cổ phần trong một số trường hợp khác.Ngoài trường hợp chuyển nhượng cổ phần phổ thông và ưu đãi, cổ phần còn được chuyển nhượng trong các trường hợp khác như sau:
- Cổ đông là cá nhân chết. Khoản 3 Điều 127 có quy định về việc chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp cổ đông là cá nhân chết như sau Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty. Như vậy, việc chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp này sẽ căn cứ vào di chúc của cổ đông đó. Khoản 4 Điều 127 quy định trường hợp cổ đông chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự. Đây là trường hợp hiếm xảy ra, nhưng khi xảy ra trên thực tế thì phần cổ phần của cổ đông đó thường được để lại cho công ty.
- Cổ đông tặng cho cổ phần hoặc sử dụng cổ phần để trả nợ. Khoản 5 Điều 127 quy định “Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty” ghi nhận quyền tặng cho cổ phần của cổ đông công ty cổ phần cho người khác. Việc tặng cho một phần hay toàn bộ cổ phần tùy thuộc vào ý chí của cổ đông sở hữu cổ phần đó mà không cần thiết phải có sự thỏa thuận giữa bên tặng, cho và bên nhận. Còn việc dùng cổ phần để trả nợ thì buộc phải có sự thỏa thuận giữa hai bên. Sử dụng cổ phần để trả nợ thực chất là việc chuyển quyền sở hữu số cổ phần mình nắm giữ cho chủ nợ, việc trả nợ dựa trên việc quy đổi giá trị của cổ phần theo giá thị trường hoặc theo thỏa thuận của hai bên.
Thế nào là tranh chấp chuyển nhượng cổ phần?
Trong quá trình chuyển nhượng cổ phần, vì nhiều nguyên nhân, giữa các bên phát sinh mâu thuẫn đưa đến những xung đột lợi ích cùng nhau. Những xung đột này gọi là tranh chấp chuyển nhượng cổ phần. Trên thực tế, hiện nay tranh chấp chuyển nhượng cổ phần xảy ra khá nhiều, thậm chí dẫn đến những kiện tụng cùng nhau. Vì tranh chấp chuyển nhượng cổ phần là dạng tranh chấp phổ biến trong tranh chấp cổ phần thường gặp và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cũng là một loại hợp đồng kinh tế, nên tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cũng được phép thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài thương mại hay tòa án, nhưng không được trái với quy định tại điều lệ công ty.
Những lưu ý để tránh phát sinh tranh chấp khi chuyển nhượng cổ phần
Khi đưa ra bất cứ quyết định nào, các cổ đông, các nhà đầu tư cũng sẽ tìm hiểu thật rõ các vấn đề liên quan tránh để xảy ra rủi ro. Đặc biệt việc chuyển nhượng cổ phần cũng vậy. Các tranh chấp chuyển nhượng cổ phần thường xảy ra do sự chủ quan hoặc sự thiếu hiểu biết pháp luật của các bên khi tham gia giao dịch chuyển nhượng. Những lưu ý sau cần được ghi nhớ thật kỹ để tránh xảy ra tranh chấp.
- Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi thông tin của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông.
- Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được ghi đầy đủ, ghi đúng vào sổ đăng ký cổ đông theo quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020. Kể từ thời điểm đó người mua cổ phần trở thành cổ đông công ty.
- Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty theo quy định tại Khoản 7 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Việc chuyển nhượng cổ phần phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cần nộp hồ sơ khai và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại Cơ quan quản lý thuế theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ chuyển vốn là khoản thu cá nhân được nhận từ chuyển nhượng chứng khoán. Bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đồng thời, tại Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán là 0.1%. Việc khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán được thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư 92/2015/TT-BTC. Cá nhân có thể chuẩn bị thêm cổ phiếu, phiếu thu, giấy uỷ quyền, bản sao chứng từ minh chứng cá nhân của người chuyển nhượng cổ phần, sổ đăng ký cổ đông nếu cơ quan thuế yêu cầu thêm. Cá nhân cần nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 10 ngày tính từ khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách cổ đông theo quy định của pháp luật.
Tranh chấp chuyển nhượng cổ phần có rất nhiều nguyên nhân, cũng như không đơn giản để giải quyết. Những lưu ý trên sẽ không thừa khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng. Và trong tình huống nào, luật sư luôn là người kề vai sát cánh cũng như trợ giúp tốt nhất cho giải pháp bạn chọn. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.