Tranh Chấp Hợp Đồng Bảo Hiểm
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu phòng tránh rủi ro của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động, phát triển là có thật và ngày ngày càng tăng cao. Với trọng trách quản lý rủi ro, bảo vệ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trước những tổn thất khi có sự cố xảy ra, bảo hiểm là một giải pháp mang đến sự an tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Thị trường bảo hiểm Việt Nam vì vậy cũng đang nở rộ để đáp ứng nhu cầu này. Các gói sản phẩm bảo hiểm vô cùng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa các sản phẩm bên cạnh mặt tích cực cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, dễ dẫn đến tranh chấp. Các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trong thời gian qua cũng không phải là ít cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc tranh chấp đều xuất phát từ phía khách hàng khởi kiện công ty bảo hiểm vì cảm thấy bức xúc khi không được bồi thường thỏa đáng, hoặc cách giải quyết bồi thường chưa hợp tình hợp lý. Nguyên nhân do đâu? Có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải kể đến việc khách hàng không hiểu hết hoặc hiểu mơ hồ về bảo hiểm. Nào! Chúng tôi sẽ giúp quý vị tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này nhé!
Trước tiên chúng ta tìm hiểu về khái niệm bảo hiểm cùng vai trò của bảo hiểm.
Bảo hiểm là gì?
Bảo hiểm là một loại dịch vụ trong đó cá nhân hay tổ chức tham gia sẽ được hưởng các khoản trợ cấp trong trường hợp xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn thông qua việc đóng góp một khoản tài chính cho mình hoặc cho đối tượng thứ ba. Khoản trợ cấp này sẽ do tổ chức bảo hiểm thực hiện chi trả một phần hay toàn bộ tùy theo hợp đồng, chế độ cụ thể.
Có hai dạng bảo hiểm thường gặp:
Bảo hiểm bắt buộc: Là loại bảo hiểm do pháp luật quy định, bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ thực hiện. Loại bảo hiểm này có mức phí quy định thống nhất chung.
Bảo hiểm tự nguyện: Là loại hình bảo hiểm mà người tham gia được quyền lựa chọn công ty bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, mức phí và quyền lợi bảo hiểm.
Thông thường, các sản phẩm bảo hiểm được triển khai hoặc bán thông qua các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc cơ quan thuộc sự quản lý của Nhà nước.
Hoạt động bảo hiểm đóng vai trò như thế nào trong đời sống kinh tế xã hội?
Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng phát triển nhưng những rủi ro, những khó khăn phát sinh trong quá trình này cũng không phải là ít và cũng không thể lường trước được. Với đặc thù riêng, bảo hiểm giống như chiếc phao cứu sinh khi ai đó gặp sự cố. Việc vận hành giống như một cơ chế chuyển giao rủi rođã chứng minh được vai trò, ý nghĩa quan trọng của bảo hiểm khi là người cùng giải quyết những hậu quả, san sẻ những tổn thất và đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với việc đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm đã chuyển giao những hậu quả rủi ro về tài chính sang công ty bảo hiểm. Bảo hiểm chịu trách nhiệm về tổn thất tài chính cho các cá nhân và tổ chức tham gia.
Từ ý nghĩa trên cho thấy bảo hiểm có rất vai trò quan trọng trong đời sống an sinh xã hội:
- Bảo hiểm góp phần ổn định tài chính cho người tham gia, là phương thức giúp ổn định chi phí, giúp người mua tiết kiệm được tài chính. Việc chi trả kịp thời những tổn thất của cơ quan bảo hiểm giúp người tham gia nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và tiếp tục sản xuất kinh doanh.
- Bảo hiểm góp phần ngăn ngừa và hạn chế tổn thất, giúp chuyển giao về rủi ro, và giúp san sẻ những tổn thất khó khăn, giảm thiểu thiệt hại có thể cho những người tham gia bảo hiểm.
- Bảo hiểm giúp người tham gia an tâm về mặt tinh thần. Tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm đã chuyển phần rủi ro của mình sang công ty bảo hiểm nên đã giải toả được nỗi sợ hãi và lo lắng về những tổn thất có thể xảy ra. Chỉ với một mức phí bảo hiểm khiêm tốn mà các cơ quan, công ty bảo hiểm có thể giúp đỡ cho các cá nhân, tổ chức khắc phục hậu quả cho dù đó là những rủi ro khôn lường trong cuộc sống và sản xuất. Điều này giúp họ yên tâm trong cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
- Bảo hiểm góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tạo nếp sống tiết kiệm trên phạm vi toàn xã hội. Bảo hiểm còn là một nguồn đầu tư phát triển nền kinh tế và tạo thêm nhiều cơ hội công ăn việc làm. giải quyết được một lượng lao động nhất định. Bên cạnh đó, bảo hiểm khuyến khích mỗi gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm chỉ với những khoản tiền rất nhỏ.
- Bảo hiểm đóng góp một phần cho ngân sách nhà nước. Với các loại quỹ bảo hiểm khác nhau, người tham gia bảo hiểm ngày càng nhiều. Khi có tổn thất xảy ra, các cơ quan, công ty bảo hiểm sẽ trợ cấp hoặc bồi thường kịp thời cho họ để ổn định đời sống và sản xuất. Vì vậy, ngân sách nhà nước không phải chi tiền để trợ cấp cho các thành viên, các doanh nghiệp khi gặp rủi ro. Mặt khác, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại còn có trách nhiệm đóng góp vào ngân sách thông qua các loại thuế mà các công ty bảo hiểm phải nộp. Điều này góp phần làm tăng thu cho ngân sách.
- Bảo hiểm tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế. Hoạt động bảo hiểm thu phí bảo hiểm trước, việc bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm chỉ được thực hiện khi có sự kiện quy định trong hợp đồng xảy ra. Điều đó cho phép các công ty bảo hiểm có một quỹ tiền tệ tập trung khá lớn. Số quỹ này thưđược các công ty bảo hiểm đầu tư vào các hoạt động kinh tế để sinh lời.
Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Cũng có thể hiểu đơn giản hơn, hợp đồng bảo hiểm là văn bản thỏa thuận trách nhiệm và nghĩa vụ của hai bên mua bảo hiểm và cung cấp dịch vụ bảo hiểm về việc bồi thường khi xảy ra sự cố rủi ro
Các loại hợp đồng bảo hiểm bao thường gặp:
- Hợp đồng bảo hiểm con người.
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản.
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
- Hợp đồng bảo hiểm hàng hải.
Như thế nào là tranh chấp hợp đồng bảo hiểm?
Khi thỏa thuận ký kết bất kỳ hợp đồng nào, các bên đều thống nhất cùng nhau tất cả những điều khoản về nội dung quyền lợi và nghĩa vụ. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên phát sinh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm thì sẽ xảy ra tranh chấp. Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm là một dạng tranh chấp liên quan giữa bên bán bảo hiểm với bên mua bảo hiểm. Theo đó các bên có sự mâu thuẫn hoặc vi phạm những điều khoản đã ký kết cùng nhau, gây nên sự tranh chấp nhằm thực hiện thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng.
Những nội dung cơ bản thường có trong tranh chấp một hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
- Tranh chấp về điều khoản chi trả và số tiền chi trả bảo hiểm
- Tranh chấp về sự thiếu trung thực của các bên
- Tranh chấp về điều kiện được hưởng quyền lợi bảo hiểm
- Tranh chấp về sự thay đổi mức độ rủi ro của bảo hiểm
- Tranh chấp về các trường hợp: hợp đồng vô hiệu, hợp đồng bị hủy bỏ, hợp đồng đơn phương chấm dứt…
Trên đây chúng tôi giới thiệu sơ lược để quý vị hiểu rõ bảo hiểm và tranh chấp bảo hiểm là gì? Chúng tôi sẽ cung cấp thêm kiến thức trong lĩnh vực bảo hiểm ở những bài viết sau, mời quý vị cùng theo dõi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com