Vai trò của Quản tài viên trong Thủ tục Phá sản

Stephen Le

Quản tài viên là chủ thể có quyền quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Quản tài viên sẽ làm gì?

Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp;

Đại diện cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật;

Tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; và

Đề nghị Thẩm phán thu thập tài liệu, chứng cứ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

Vướng mắc thực tiễn

Thứ nhất, mặc dù yêu cầu về tiêu chuẩn đối với Quản tài viên khá cao nhưng trên thực tế, trình độ, năng lực của Quản tài viên có sự chênh lệch và không toàn diện. Một số Quản tài viên còn e dè trong việc quyết định những vấn đề mà doanh nghiệp đề xuất, gây mất thời gian và cản trở khả năng phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp; lúng túng trong công tác quản lý, xử lý nợ và tài sản của doanh nghiệp.

Thứ hai, theo kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, vai trò của Quản tài viên trong các buổi họp, làm việc với doanh nghiệp và các bên tham gia thủ tục phá sản khá mờ nhạt. Hầu hết các cuộc họp chỉ ghi nhận ý kiến, đề nghị của các bên mà không có ý kiến quyết định của Quản tài viên. Quản tài viên chỉ yêu cầu các bên một cách chung chung là “thực hiện đúng quy định pháp luật” mà không thể hiện được quan điểm cũng như vai trò quyết định hoặc đề xuất với Thẩm phán giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp.

Thứ ba, với những doanh nghiệp lớn, có nhiều tài sản ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí ở nước ngoài thì một Quản tài viên khó có thể giải quyết kịp thời. Pháp luật không quy định cụ thể Thẩm phán được chỉ định bao nhiêu Quản tài viên cho một vụ việc phá sản. Nếu Thẩm phán chỉ định 2 – 3 Quản tài viên cùng tham gia giải quyết vụ việc phá sản thì vai trò của mỗi Quản tài viên sẽ được thực hiện trên thực tế như thế nào, ai là người chỉ đạo, phân công, ai là người thực hành hay tất cả Quản tài viên đều có quyền hạn như nhau trong từng công việc. Không thể buộc doanh nghiệp phải sắp xếp nhân sự để làm việc, báo cáo đến tất cả Quản tài viên về từng vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bởi lẽ, việc này gây tốn kém thời gian, chi phí, nhân lực của doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Doanh nghiệp phải làm gì?

Sau khi mở thủ tục phá sản, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều bị kiểm soát gắt gao, đặc biệt là vấn đề tài chính, xử lý nợ.

Để tăng cường hiệu quả cũng như tiết kiệm thời gian cho việc giải quyết yêu cầu, đề nghị của mình thì doanh nghiệp cần phải phối hợp, hỗ trợ Quản tài viên. Đồng thời, đề nghị đối tác và các bên liên quan hỗ trợ cung cấp thông tin, phối hợp làm việc với Quản tài viên nhằm chứng minh yêu cầu, đề xuất của doanh nghiệp là cần thiết và đúng quy định pháp luật.

Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp để giải quyết những vướng mắc nêu trên hoặc cần tư vấn/đại diện/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc phá sản, các Luật sư Tranh tụng của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ tại info@letranlaw.com.