Vay Nặng Lãi – Nỗi Ám Ảnh Không Của Riêng Ai

Vania Van

Vay nhanh không thế chấp, ưu đãi lãi suất, trả góp không tăng lãi, thủ tục đơn giản nhận tiền về sau 5 phút xét duyệt,… Đó là lời mời chào thường thấy trên mạng xã hội, thậm chí qua những cuộc điện thoại “chào hàng”, hay tin nhắn giới thiệu dịch vụ. Cho vay lãi cao đang có mặt khắp nơi, ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng.

Núp dưới vỏ bọc các công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ, bằng phương thức phát dán tờ rơi, lập website, đăng tin quảng cáo qua ứng dụng điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook… hoạt động tín dụng tự phát xuất hiện tràn lan. Tín dụng tự phát hay hoạt động cho vay lãi nặng đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi. Những cá nhân và tổ chức cho vay lãi nặng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết cũng như sự túng quẫn, cấp thiết của bên vay nợ để đưa ra mức lãi suất cao quá quy định. Hậu quả không chỉ tạo ra nỗi ám ảnh cho những ai chẳng may vướng vào, mà còn là nguyên nhân phát sinh những bất an, tệ nạn cho xã hội.

Thế nào là cho vay lãi nặng?

Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự quy định: Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định về lãi suất tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 khi phát sinh quan hệ vay mượn thì:

  • Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Căn cứ vào những quy định trên, các bên khi vay mượn với nhau sẽ tự thỏa thuận về mức lãi suất phải trả, nhưng tối đa không được quá 20% một năm. Và đúng như cách gọi, nếu như bên cho vay lấy lãi suất cao quá 5 lần mức lãi suất tối đa mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thì đây là hành vi cho vay lãi nặng. Nếu cho vay bằng tài sản khác ngoài tiền thì khi giải quyết sẽ quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm bên cho vay chuyển giao tài sản vay cho bên vay.

Những đặc điểm nhận dạng của cho vay lãi nặng

Đối tượng của vay lãi nặng

Có hai đối tượng chính trong giao dịch vay lãi nặng. Đối tượng cho vay, ở đây có thể là cá nhân hay tổ chức, tổ chức tín dụng nhỏ, các tiệm cầm đồ, tổ chức hoạt động cho vay tín dụng phi chính thức mà không chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối tượng vay, là những khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ hoặc những khách hàng không đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng hay vì e ngại thủ tục vay ngân hàng quá rườm rà, quá lâu so với nhu cầu cấp bách của họ.

Lãi suất rất cao vượt mức pháp luật cho phép

Đặc trưng cơ bản nhất của cho vay lãi nặng chính là mức lãi suất rất cao. Do đối tượng của cho vay lãi cao là các cá nhân, tổ chức không có tài sản, gặp khó khăn trong việc vay vốn tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng nên tìm đến chỗ tín dụng cho vay nặng lãi. Nói đúng hơn là lợi dụng các đối tượng đã đến bước đường cùng không thể xoay sở tài chính được nên các cá nhân, tổ chức cho vay tận dụng cơ hội đó đã tự đặt ra mức lãi suất cao, có khi gấp 15 – 20 lần so với mức lãi suất tối đa ngân hàng đặt ra. Lãi suất cho vay trái luật, vượt quá cao so với mức pháp luật cho phép. Mức lãi suất thông thường được thỏa thuận bằng miệng và không ghi trong hợp đồng thỏa thuận vay.

Không được pháp luật thừa nhận

Hoạt động cho vay lãi cao thường là tự phát của cá nhân hoặc thông qua mục đích kinh doanh, có hoặc không có giấy phép kinh doanh về dịch vụ tín dụng hoặc cầm đồ của tổ chức. Việc cho vay và vay vốn ngoài các tổ chức tín dụng hợp pháp là quan hệ pháp luật dân sự, không phải là hành vi bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, pháp luật chỉ không thừa nhận hoạt động này chỉ khi xác định được là lãi suất cho vay vượt quá quy định và có tính chất bóc lột. Qua thực tiễn các vụ án đã xảy ra, để chứng minh được mức lãi suất cho vay cao cũng rất khó vì không có chứng cứ do chỉ thỏa thuận miệng. Và như vậy pháp luật cũng sẽ không bảo vệ được người vay.

Quy trình thủ tục đơn giản

Không giống như quy trình, thủ tục vay tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng hợp pháp phức tạp. Khi thực hiện hợp đồng vay, trừ trường hợp vay từ những người thân cận với số tiền không lớn. Vay lãi nặng có những hình thức rất là đơn giản. Khách hàng chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hay đăng ký phương tiện giao thông đang sở hữu cùng một số giấy tờ khác là có thể nhận được tiền một cách dễ dàng. Thậm chí không cần xét đến các yếu tố như mức độ uy tín hay mức thu nhập có thể có khả năng trả được lãi vay hay không.

Hình thức đòi nợ mang tính chất bạo lực

Đây cũng là bản chất và điểm khác biệt nổi bật của vay nặng lãi so với các hình thức tín dụng hợp pháp. Hoạt động cho vay lãi nặng len lỏi từ thành thị đến nông thôn, đe dọa cuộc sống của những ai chẳng may vướng vào. Trong trường hợp không trả nợ đúng kỳ hạn hay không thể trả được nợ, người vay có thể sẽ gặp những cách đòi và siết nợ rất bạo lực, giang hồ. Đội ngũ đòi nợ hung hãn, sẵn sàng dọa chém, dọa giết, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, tâm lý của đối tượng vay. Với nhiều vụ đòi nợ có cả việc xảy ra bắt cóc, chém giết, hành hung người vay dẫn đến thương tật, chết người.

Ảnh hưởng của việc cho vay lãi nặng đến đời sống xã hội

Thời gian gần đây báo chí đưa tin về nhiều vụ vỡ nợ lớn, các vụ việc này đều liên quan đến vay lãi nặng. Ảnh hưởng của vay lãi nặng là rất nặng nề, nó để lại những hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Cơ sở pháp lý không rõ ràng nên người vay không được pháp luật bảo vệ

Đầu tiên, do xuất pháp từ nhu cầu cấp bách, người vay dù biết việc vay có lãi suất cao nhưng vẫn vay. Vì tâm lý này nên về mặt pháp lý, trong thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay không được thực hiện đúng quy định. Lãi suất chỉ thỏa thuận miệng nên khi có tranh chấp rất khó có cơ sở để giải quyết. Tất cả giấy tờ giao kèo, hợp đồng vay mượn đều có lợi bên cho vay nên khi có khởi kiện thì pháp luật cũng không thể bảo vệ được quyền lợi của người vay.

Lãi suất cắt cổ sẽ là gánh nặng cho người vay và gia đình

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, ở hầu hết các trường hợp lãi vay đều rất cao. Với số tiền vay lớn, lãi suất cao, người vay không thể trả nổi. Bằng nhiều thủ đoạn, người cho vay sẽ buộc người vay bán nhà, đất lấy tiền trả nợ hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất để thế chấp khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh khốn khó, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình người vay.

Gây mất trật tự an toàn và là nguyên nhân gia tăng tệ nạn xã hội

Cho vay lãi cao thường đi kèm với đòi nợ thuê. Các băng nhóm đòi nợ với những kiểu đòi nợ bằng bạo lực hay uy hiếp người vay sẽ gây hoang mang, bất ổn, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các hành vi tự ý bắt giữ, đánh đập đe dọa người vay, xâm phạm chỗ ở, hủy hoại tài sản người vay khi không trả nợ là những hành vi phạm pháp. Các hoạt động bạo lực như uy hiếp, sử dụng vũ lực, cưỡng đoạt, chiếm đoạt tài sản với người đi vay hay người thân trong gia đình người vay. Bản chất của vay lãi nặng không phải là nguyên nhân bắt đầu, nhưng lại là nguyên nhân kéo theo, phát sinh và làm gia tăng nguy cơ không kiểm soát của các tệ nạn xã hội.

Tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính

Với người vay, thông thường mục đích vay là để làm ăn, giải quyết khó khăn về tài chính hoặc để đáo hạn ngân hàng, nên khi cho nhau vay các bên tự viết giấy biên nhận nợ, tự thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thực hiện tại phòng công chứng, không có sự chứng thực của cấp có thẩm quyền. Do vậy, Khi người vay không có khả năng thanh toán thì bên cho vay buộc người vay phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cấn trừ, giá cả chuyển nhượng đương nhiên sẽ thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Giống như bên vay, bên cho vay lãi cao cũng có nhiều rủi ro về tài chính. Trường hợp người đi vay mất khả năng trả nợ thì các tổ chức, cá nhân cho vay cũng sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình thu hồi nợ do hình thức tín dụng này không được nhà nước công nhận. Và khi xảy ra tranh chấp thì việc đưa sự việc ra nhờ pháp luật can thiệp là điều không thể. Ảnh hưởng đến tài chính không thể thu hồi.

Khi lâm vào tình huống cần tiền cấp bách, việc tìm đến các cá nhân và tổ chức tín dụng cho vay lãi cao là bước đường cùng với nhiều người. Song, cần tỉnh táo để tránh hậu quả không mong muốn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com