Việt Nam tạo Điều kiện Thuận lợi cho Quy trình cấp Giấy phép Lao động cho Người lao động Nước ngoài
Các Sửa đổi của Nghị quyết 105
Định nghĩa “kinh nghiệm làm việc”
Nghị quyết số 105/NQ-CP được ban hành gần đây (Nghị quyết 105), áp dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, đã sửa đổi định nghĩa về điều kiện “kinh nghiệm làm việc” đối với người lao động nước ngoài, giúp việc xin giấy phép lao động trở nên dễ dàng hơn. Nghị quyết đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn và ban hành vào ngày 9/9/2021. Một trong những mục đích của Nghị quyết 105 là nới lỏng một số yêu cầu tuyển dụng khắt khe hơn nêu tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (Nghị định 152) đã có hiệu lực vào tháng 2/2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo Điều 3.3.(a) và 3.6.(a) của Nghị định 152, người nước ngoài phải có kinh nghiệm làm việc “trong chuyên ngành được đào tạo”. Đối với chuyên gia, phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và “có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo”. Đối với lao động kỹ thuật, thì phải được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và “làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo”.
Mặc dù vẫn giữ yêu cầu về bằng cấp học vấn, nhưng yêu cầu về kinh nghiệm làm việc quy định tại Điều 3.3.(a) và 3.6.(a) của Nghị định 152 nói trên đã được Nghị quyết 105 sửa đổi thành có “kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”.
Tài liệu chứng minh kinh nghiệm làm việc
Để bổ trợ cho định nghĩa mới về “kinh nghiệm làm việc”, Điều 9.4.(b) của Nghị định số 152 cũng đã được Nghị quyết 105 sửa đổi. Theo đó, các giấy phép lao động mà người lao động nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trước đây có thể được dùng để chứng minh thỏa điều kiện kinh nghiệm làm việc khi xin cấp giấy phép lao động mới. Do đó người lao động nước ngoài không cần phải nộp các xác nhận kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài mà mình làm việc trước đây. Quy định sửa đổi nêu rõ: “Giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật theo quy định tại khoản 3, 6 Điều 3 Nghị định này, là: Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận; văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm.”
Đây là sự thay đổi mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng kiến nghị trong nhiều năm qua. Việc tuân thủ điều kiện tiên quyết về kinh nghiệm giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn và không cần phải có thêm kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực mà người lao động đã được đào tạo ở nước ngoài. Thay vào đó, yêu cầu đã được sửa đổi để tập trung vào công việc mà người nước ngoài sẽ thực hiện tại Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và cải thiện tốc độ phát triển của đất nước.
Yêu cầu về bằng cấp
Một sửa đổi khác liên quan đến yêu cầu về bằng cấp đối với lao động nước ngoài cũng không kém phần quan trọng. Theo Nghị định 152, bằng cấp của người lao động nước ngoài cần có liên quan đến vị trí việc làm tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 105, các cơ quan đã được yêu cầu linh hoạt trong trường hợp bằng cấp không nhất thiết phải liên quan đến vị trí việc làm ở Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp có thể mở rộng phạm vi tuyển dụng hơn và linh hoạt hơn để thuê các chuyên gia và lao động kỹ thuật có nền tảng học vấn và kinh nghiệm ban đầu có thể không nhất thiết phải hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Cử người lao động nước ngoài đi làm việc ở tỉnh thành khác
Nghị quyết 105 cũng đã có sửa đổi liên quan đến việc cử người lao động nước ngoài từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác của Việt Nam để làm việc. Trước đây, theo Nghị định 152, người lao động nước ngoài không được cử, điều động hoặc biệt phái đến tỉnh thành khác của Việt Nam để làm việc nếu không làm lại giấy phép lao động. Theo các quy định sửa đổi của Nghị quyết 105, doanh nghiệp hiện có thể cử người lao động nước ngoài đến làm việc tại một tỉnh thành khác của Việt Nam trong thời hạn không quá 6 tháng mà không cần phải xin giấy phép lao động mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.
Một số sửa đổi khác
Đối với giáo viên nước ngoài, Nghị quyết 105 chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) hướng dẫn bằng cấp của giáo viên nước ngoài giảng dạy tại cơ sở đào tạo ngắn hạn, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước tình hình đại dịch, Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát quy trình, giải quyết thuận lợi việc nhập cảnh đối với người nước ngoài vào Việt Nam, cũng như đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác.
Một sửa đổi cuối cùng ảnh hưởng đến người lao động nước ngoài liên quan đến việc công chứng bản sao của hộ chiếu. Trước đây, các bản sao hộ chiếu của người lao động nước ngoài bắt buộc phải được công chứng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 105, hồ sơ chỉ cần bản sao (thay vì bản sao có chứng thực) của hộ chiếu là đủ.
Quy trình Cấp Giấy phép Lao động
Trước khi có Nghị quyết 105, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 152 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2021. Nghị định 152 quy định việc tuyển dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như việc tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định 152 thay thế Nghị định 11/2016/NĐ-CP và Nghị định 75/2014/NĐ-CP. Nhìn chung, Nghị định 152 có các quy định nghiêm ngặt hơn so với các nghị định trước. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp lo ngại bởi vì làm tăng độ khó cho việc tuyển dụng và tiếp nhận lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. Như đã đề cập ở trên, nhiều vấn đề trong số đó đã được giải quyết bằng Nghị quyết 105 mới ban hành gần đây.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp là bên có trách nhiệm xin chấp thuận cho việc tuyển dụng một cá nhân vào một vị trí cụ thể. Người sử dụng lao động có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bên khác để hoàn thành quy trình, nhưng họ không thể đẩy trách nhiệm cho người lao động tự xin giấy phép lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động nên thông báo cho người lao động biết yêu cầu về giấy phép lao động trong quá trình tuyển dụng. Thêm nữa, vì quá trình xin cấp phép thường mất một khoảng thời gian để hoàn thành, nên việc tuyển dụng cần được lên kế hoạch tốt và vạch ra trước thời hạn.
Quy trình cơ bản
Người sử dụng lao động muốn tuyển dụng người lao động nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cho Bộ LĐTBXH hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài. Bộ LĐTBXH hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
Sau khi được chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có thể nộp đơn đề nghị cấp giấy phép lao động đến Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH. Hồ sơ phải được nộp trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc. Thành phần hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động do doanh nghiệp ký, phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá sáu tháng; bản sao các bằng cấp và chứng chỉ có liên quan và/hoặc bằng chứng về kinh nghiệm làm công việc phù hợp; bản sao hộ chiếu còn giá trị; hai ảnh chụp không quá sáu tháng; giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp; văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thời gian xử lý hồ sơ là 05 ngày làm việc.
Thông thường, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người lao động dự kiến tuyển dụng thu thập các tài liệu nói trên. Ngoài ra, trên thực tế, quy trình có thể kéo dài hơn các thời hạn nói trên, do đó các doanh nghiệp nên bắt đầu tiến hành hồ sơ trước từ hai đến ba tháng trước khi người lao đông bắt đầu làm việc.
Một số vấn đề sau khi được cấp giấy phép lao động
Sau khi được cấp giấy phép lao động, người lao động nước ngoài có thể xin cấp thị thực lao động và nhập cảnh Việt Nam. Lưu ý, do tình hình dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam, các cơ quan lao động có thể yêu cầu người nước ngoài phải nhập cảnh vào Việt Nam trước khi được cấp giấy phép lao động. Việc cư trú của người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải được khai báo với cơ quan công an địa phương. Sau khi có giấy phép lao động, người lao động nước ngoài có thể xin cấp thẻ tạm trú có thời hạn bằng giấy phép lao động (tối đa 2 năm) để thay thế cho thị thực lao động.
Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài có thời hạn tối đa hai năm và chỉ được gia hạn một lần. Việc gia hạn phải được thực hiện khi giấy phép lao động đã được cấp còn thời hạn ít nhất 05 ngày (nhưng không quá 45 ngày). Sau khi hết hạn lần gia hạn đầu tiên, thì phải thực hiện thủ tục xin cấp mới giấy phép lao động.
Miễn giấy phép lao động
Nghị định 152 quy định một số trường hợp được miễn giấy phép lao động. Ví dụ, một người nước ngoài có thể được miễn giấy phép lao động nếu phần vốn góp của họ trong công ty ít nhất khoảng 130.400 Đô-la Mỹ (tương đương 3 tỷ Đồng). Ngoài ra, các chuyên gia, nhà quản lý hoặc lao động kỹ thuật nhập cảnh vào Việt Nam dưới 30 ngày (không quá ba lần trong một năm) có thể được miễn giấy phép lao động. Một trường hợp miễn trừ khác liên quan đến người lao động nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam. Các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự nước ngoài thuộc diện miễn giấy phép lao động tùy từng trường hợp phải xin giấy xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc phải thông báo cho Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH ít nhất ba ngày trước khi người lao động bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
Mặc dù Nghị quyết 105 gần đây đã nới lỏng một số yêu cầu đối với việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật. Các hình thức xử phạt các vi phạm về giấy phép lao động bao gồm trục xuất và phạt tiền đối với người lao động nước ngoài, và phạt tiền đối với doanh nghiệp (lên đến 150.000.000 Đồng tùy thuộc vào số lượng lao động bị vi phạm).
Các luật sư chuyên về Pháp luật Lao động và Việc làm của Le & Tran đã được các tổ chức quốc tế công nhận luôn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn. Văn phòng chính của chúng tôi được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế của Việt Nam. Vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: info@letranlaw.com để được tư vấn.