Việt Nam & Giấc Mơ Dẫn Đầu Ngành Công Nghiệp Bán Dẫn
Thế giới tăng đang tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển. Trong cuộc đua đó, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…. đến Việt Nam. Sự hình thành ngày càng nhiều các dự án lớn đang cho thấy sức hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Theo đánh giá từ các chuyên gia, Việt Nam đang có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, trở thành trung tâm bán dẫn hàng đầu bởi vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng số phát triển, nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ dồi dào và đặc biệt là hệ thống chính trị ổn định. Giấc mơ đầu dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn thế giới với Việt Nam là hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực?
Công nghệ bán dẫn là gì?
Công nghệ bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế giới, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, viễn thông, máy tính,… Công nghệ bán dẫn nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thành phần điện tử dựa trên vật liệu bán dẫn. Các thành phần điện tử này bao gồm transistor, diode, vi mạch, và nhiều loại linh kiện khác được tạo ra từ vật liệu bán dẫn như silic và các hợp chất bán dẫn khác. Có rất nhiều loại chất bán dẫn, nhưng thông thường có thể phân thành 7 loại sản phẩm công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn như sau:
– Bộ nhớ (Memory). Là các thành phần chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu trong các thiết bị điện tử. Có nhiều loại bộ nhớ khác nhau, chẳng hạn như RAM hay ROM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên HAY Bộ nhớ chỉ đọc).
– Logic. Bao gồm các vi mạch logic được thiết kế để thực hiện các phép toán logic và chức năng điều khiển trong các hệ thống điện tử. Bao gồm cả cổng logic, flip-flops, và các vi mạch logic phức tạp hơn.
– Vi điều khiển (Microcontrollers). Là các vi mạch tích hợp có khả năng xử lý và kiểm soát các chức năng trong một hệ thống nhỏ. Chúng thường được sử dụng trong các sản phẩm như điều khiển tự động, vi xử lý nhúng và các ứng dụng IoT.
– Tín hiệu tương tự (Analog). Bao gồm các thành phần và vi mạch được thiết kế để xử lý và truyền tín hiệu tương tự, không phải là dạng số. Các ứng dụng bao gồm vi xử lý tín hiệu analog, khuếch đại tín hiệu và các linh kiện tương tự khác.
– Quang điện tử (Optoelectronics). Liên quan đến việc sử dụng ánh sáng và tín hiệu quang học trong các thiết bị điện tử. Bao gồm các linh kiện như đèn LED, cảm biến ánh sáng, và các thiết bị quang điện tử.
– Rời rạc (Discrete). Bao gồm các linh kiện điện tử cá thể, không tích hợp trên cùng một vi mạch. Các thành phần rời rạc bao gồm điốt, tranzistor, và tụ điện, được sử dụng để xây dựng mạch điện tử.
– Cảm biến (Sensors). Là các thiết bị chuyển đổi các tín hiệu vật lý hoặc hóa học thành tín hiệu điện. Các loại cảm biến bao gồm cảm biến ánh sáng, cảm biến nhiệt độ, và cảm biến gia tốc, được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng từ điện tử tiêu dùng đến công nghiệp tự động hóa.
Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang thực sự là một cuộc cách mạng để nâng cao vị thế đất nước. Việt Nam đang có cơ hội vàng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu có kế hoạch chiến lược dài hạn, phù hợp. Ngành công nghiệp bán dẫn thực ra không mới ở Việt Nam, thậm chí đã được Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Chỉ 4 năm sau ngày đất nước thống nhất, năm 1979, Nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu thiết bị bán dẫn cho thị trường nước ngoài.
Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, Nhà máy Z181 không còn những đơn hàng sản xuất linh kiện bán dẫn. Việc sản xuất, đóng gói linh kiện bán dẫn của nhà máy phải dừng lại từ đây. Ngành bán dẫn ở nước ta trải qua thời gian dài rơi vào tình trạng ảm đạm.
Đến khoảng năm 2005-2006, với sự xuất hiện của một số công ty nước ngoài mở văn phòng thiết kế tại Việt Nam như Renesas, Active Semi, cùng sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Phòng thí nghiệm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đánh dấu sự tham gia sâu hơn của nước ta vào mảng thiết kế chip. Một năm sau, Tập đoàn Intel đầu tư vào Việt Nam, xây nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nước ta bắt đầu bước chân vào mảng đóng gói. Mười năm trở lại đây, ngành bán dẫn ở nước ta có nhiều tín hiệu chuyển mình rõ rệt. Nhiều công ty bán dẫn và điện tử hàng đầu thế giới đã có trụ sở tại Việt Nam như Intel, Samsung, Microsoft, LG…
Có thể nói ngành công nghiệp bán dẫn là động lực phía sau cho cả một ngành công nghiệp điện tử rộng lớn, được ví như xương sống của ngành công nghiệp điện tử vì như chúng ta có thể thấy, các sản phẩm vi mạch bán dẫn luôn hiện diện trong các loại thiết bị điện tử mà chúng ta dùng hằng ngày. Để làm nên một sản phẩm vi mạch thì sẽ có 3 giai đoạn gồm: Thiết kế, sản xuất và cuối cùng là Lắp ráp đóng gói. Và hiện tại mức độ tham gia của Việt Nam còn hạn chế khi chủ yếu tham gia vào khâu cuối cùng là lắp ráp đóng gói, chiếm khoảng 10% giá trị sản phẩm và giá trị gia tăng thấp. Với đặc thù luôn chứa đựng sự rủi ro nhất định nên lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam gần như chưa có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản để giúp các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu hoạt động hiệu quả.
Việt Nam trước cơ hội trở thành trung tâm dẫn đầu ngành bán dẫn
Việt Nam đang là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực về công nghiệp bán dẫn, hiện đứng thứ 3 về doanh thu từ chip nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Với thực trạng hiện tại, định hướng chiến lược cho Việt Nam là phải đa dạng hóa chuỗi giá trị ngành bán dẫn. Đây cũng là bài toán quan trọng mà Việt Nam cần sớm có lời giải nếu muốn nắm bắt cơ hội trên đường trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của thế giới.
Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden và việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ góp phần mang tới nhiều đầu tư mới vào Việt Nam và sản xuất bán dẫn có nhiều tiềm năng là một trong những lĩnh vực đó. Trong Tuyên bố chung, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam có thể trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Theo các chuyên gia kinh tế, với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư lĩnh vực công nghiệp vi điện tử và bán dẫn tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn hàng đầu về công nghệ bán dẫn như Intel, Samsung, SK… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD không chỉ xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, mà còn tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ tại Việt Nam. Điển hình như: SK Group của Hàn Quốc đã tài trợ 30 triệu USD để xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam. Tập đoàn Amkor Technology đã khánh thành nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn tại Bắc Ninh với quy mô sẽ là trung tâm sản xuất chíp bán dẫn lớn nhất thế giới diện tích 23 ha, có tổng vốn đầu tư 1.6 tỷ USD… Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, cho biết dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt khoảng 6,12% giai đoạn 2022-2027. Công nghiệp bán dẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm make in Việt Nam
Chuẩn bị sẵn sàng cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Việt Nam có đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần mắt xích lớn không thể thiếu trong lĩnh vực bán dẫn. Chính phủ Việt Nam đã và đang có rất nhiều chính sách để hướng tới điều này. Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tiềm năng sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên dồi dào, đây là những tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, đất này phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng… Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn), cao hơn Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn). Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.
Hoàn thiện hơn các chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã có những quyết sách vô cùng đúng đắn và quan trọng khi tạo lập cơ chế, chính sách ưu tiên, mang tính quyết định cho ngành công nghiệp bán dẫn. Bằng việc tạo thuận lợi thực hiện các thủ tục để hỗ trợ hoạt động đầu tư cho ngành bán dẫn, Việt Nam đang gửi đi thông điệp mạnh mẽ ra thế giới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành bán dẫn trong việc thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển của các bên liên quan.
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp bán dẫn. Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư chuyên ngành công nghiệp bán dẫn. Xác định việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mang tính chất nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn, cần phải đào tạo thêm rất nhiều, ít nhất là gấp 5 lần là 25.000 kỹ sư trong vài năm tới, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ đề xuất 3 trụ cột chính nhằm đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài là đào tạo Đại học cho nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm Kỹ sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ giỏi với sự hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường Đại học. Trụ cột thứ hai là đào tạo kỹ thuật viên. Và trụ cột thứ ba là thu hút nhân tài làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Với quyết tâm của Chính phủ và tiềm năng của Việt Nam, tin tưởng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Giấc mơ dẫn đầu ngành bán dẫn là hoàn toàn có thể thành hiện thực.
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com