Hệ thống giải quyết tranh chấp của Việt Nam
Tòa án
Các thủ tục tố tụng tại Tòa án
Giai đoạn sơ thẩm: Giai đoạn sơ thẩm bắt đầu từ việc một bên có Đơn Khởi kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền và được Tòa án thụ lý giải quyết. Giai đoạn sơ thẩm sẽ kết thúc bằng một bản án/quyết định sơ thẩm và có thể bị kháng cáo bởi các đương sự hoặc bị kháng nghị bởi Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp (ngoại trừ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự). Theo quy định tại Điều 273, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS), thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Theo quy định tại Điều 280 BLTTDS, thời hạn kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án.
Giai đoạn phúc thẩm: là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án/quyết định sơ thẩm đó chưa có hiệu lực pháp luật và bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Giai đoạn giám đốc thẩm: là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có các căn cứ sau:
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 331 BLTTDS như sau:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Giai đoạn tái thẩm: là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Theo Điều 352 BLTTDS, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
- Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; hoặc
- Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Quá trình xét xử và thời gian giải quyết vụ án
Được quy định tại Điều 203.1 BLTTDS, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với tranh chấp về dân sự và hôn nhân gia đình là 04 – 06 tháng; đối với các vụ án kinh doanh thương mại, lao động là 02 – 03 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, Tòa án thường quá tải khi xử lý các vụ việc, đồng thời, quy trình tố tụng thường mất rất nhiều thời gian trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; triệu tập đương sự; tống đạt tài liệu tố tụng; thẩm định v.v. Do đó, thông thường đối với vụ án dân sự được giải quyết tại giai đoạn sơ thẩm, thời gian giải quyết sẽ từ 01 năm trở lên; đối với các vụ án có tính chất phức tạp, thời gian này sẽ còn kéo dài.
Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án cũng có những nhược điểm nhất định vì thủ tục tại Tòa án thiếu linh hoạt. Hiện nay, luật tố tụng nước ta (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng Hành chính) chỉ quy định xét xử trực tiếp, không quy định xét xử trực tuyến. Trong tình hình bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2020 triển khai tòa án tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, việc triển khai xét xử trực tuyến sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện.
Bên cạnh đó, nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án tuy được xem là tiến bộ, mang tính răn đe nhưng đôi khi lại là cản trở đối với các doanh nghiệp khi những bí mật kinh doanh cũng như nội dung tranh chấp sẽ bị tiết lộ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động kinh doanh.
Chính vì những nhược điểm nói trên mà hình thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án ít khi được các doanh nghiệp lựa chọn, theo đó, giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thường được xem là phương thức lựa chọn cuối cùng khi các phương thức thương lượng, hòa giải và Trọng tài không mang lại hiệu quả.
Trọng tài
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận, được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án. Được quy định tại Điều 2, Luật Trọng tài Thương mại 2010, các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài gồm:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Mỗi bên trong tranh chấp có thể đề xuất và lựa chọn Trọng tài viên để giải quyết vụ việc tranh chấp, việc lựa chọn Trọng tài viên sẽ giúp các bên tìm kiếm được những chuyên gia am hiểu về lĩnh vực của tranh chấp, ví dụ như các tranh chấp về xây dựng, sở hữu trí tuệ, hợp tác đầu tư v.v.
Trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng. Các bên có thể lựa chọn ngôn ngữ và địa điểm giải quyết, phương thức giải quyết tranh chấp trực tiếp hay trực tuyến nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc giải quyết tranh chấp. So việc xét xử công khai của Tòa án, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là bảo mật giúp các doanh nghiệp giữ bí mật được các thông tin tranh chấp cũng như bí quyết kinh doanh, hạn chế sự ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trọng tài là phương thức hiệu quả để đi đến một quyết định/phán quyết có giá trị chung thẩm không bị kháng cáo cũng như kháng nghị và ràng buộc các bên tranh chấp mà không cần đưa ra Tòa án. Thời gian giải quyết bằng Trọng tài cũng sẽ thường nhanh hơn so với giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
Hòa giải thương mại
Được quy định muộn hơn so với Trọng tài, ngày 24/02/2017, Chính Phủ ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định về hòa giải thương mại (Nghị định 22). Theo đó, Điều 3.1 Nghị định 22 đã định nghĩa khá rõ về hòa giải thương mại: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.
Hoà giải thương mại được hiểu là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án, không phải là một quy trình có tính chất tố tụng, đối kháng; Hoà giải viên là bên thứ ba hỗ trợ giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại giữa các bên. Vai trò của Hoà giải viên rất khác so với Thẩm phán hay Trọng tài viên. Hoà giải viên không phải là chủ thể đưa ra các phán quyết hoặc phán xét về nội dung tranh chấp, thay vào đó, Hòa giải viên là bên hỗ trợ các bên đạt được một thoả thuận chung nhằm giải quyết đối với tranh chấp phát sinh.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ tranh chấp nào đều có thể thực hiện qua hòa giải theo Nghị định 22. Điều 2 Nghị định 22 quy định phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải như sau:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
- Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Sau khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên cần phải yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành được quy định tại Chương XXXIII của BLTTDS.