Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài và Tòa án
Hiện nay tại Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài đang trở thành một xu hướng phát triển song song với việc cải cách hệ thống tư pháp của Việt Nam trong ngành Toà án và Viện Kiểm sát để cùng nhau đạt đến một nền tư pháp lành mạnh và công bằng.
Tuy nhiên, việc hiểu chưa đúng về thẩm quyền của Trọng tài và Toà án trong việc giải quyết tranh chấp đã dẫn tới những thoả thuận trọng tài về thẩm quyền giải quyết tranh chấp không phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn xét xử của những cơ quan này. Điều này gián tiếp gây khó khăn và mất thời gian cho bản thân các bên khi xác định thẩm quyền của cơ quan tài phán phù hợp khi tranh chấp xảy ra.
Các tranh chấp mà Trọng tài có thẩm quyền
Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp (i) giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, (ii) có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc (iii) pháp luật có quy định là phải giải quyết bằng trọng tài; và nếu các bên có thoả thuận trọng tài.
Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trong tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trong tài không thực hiện được.
Xử lý xung đột thẩm quyền xét xử giữa Trọng tài và Toà án
Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh được liệt kê ở trên thì Tòa án yêu cầu một hoặc các bên cho biết tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện để xác định vụ tranh chấp đó có thuộc trường hợp có thoả thuận trọng tài nhưng Toà án vẫn có thể có thẩm quyền hay không
Tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
- Trường hợp tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
- Trường hợp tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp bị vô hiệu thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án Tòa án mới phát hiện vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp bị vô hiệu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
- Trường hợp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp thì dù Tòa án nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hoặc tuy đã có thoả thuận trọng tài nhưng bị vô hiệu mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp Tòa án đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trừ trường hợp Tòa án thụ lý vụ tranh chấp trước khi có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp. Sau khi có quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tụ tố tụng dân sự.
Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác)
- Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên.
- Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài.
- Các bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thoả thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
- Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Toà án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thoả thuận và các bên không thoả thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
- Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
- Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà phát sinh tranh chấp (và không thuộc các trường hợp đã phân tích ở trên)
- Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án thì Tòa án từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
- Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
- Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn vui lòng liên hệ Luật sư Lê Hoàng Chương (hoangchuong.le@letranlaw.com). Luật sư Chương đã tham gia giải quyết nhiều tranh chấp thương mại tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và cùng với các Luật sư nước ngoài tham gia các vụ việc tranh chấp quốc tế tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) và có nhiều kinh nghiệm thiết thực, kiến thức hữu ích về thủ tục tố tụng trọng tài của các trung tâm này.