Xử Lý Đối Với Hành Vi Vi Phạm Quy Định Về Cho Thuê Lại Lao Động

Vania Van

Hình thành từ nhu cầu thực tế cần thuê lao động của các doanh nghiệp trong những năm gần đây, xu hướng cho thuê lao động đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế.  Là giải pháp giúp doanh nghiệp có thể chủ động nhân sự cho các kế hoạch sản xuất khi chưa kịp tuyển dụng hoặc trong tình huống cần kíp nhân sự chỉ một khoảng thời gian ngắn hay đột xuất.  Cho thuê lao động  tạo thêm cơ hội cho người lao động và người sử dụng lao động  dễ dàng tìm đến với nhau.  Giải pháp này có nhiều ưu điểm do tính chủ động, linh hoạt, dễ dàng tìm được lượng nhân sự có chất lượng phù hợp với nhu cầu và giảm thiểu trách nhiệm khi có rủi ro cho người thuê lao động vì đã có sự đảm bảo của bên thứ ba cho thuê.  Tuy nhiên, song song với ưu điểm, cho thuê lại lao động cũng có nhiều hạn chế, bất cập.  Quan hệ cho thuê lại lao động trong môi trường không rõ ràng, với hợp đồng lao động có thời hạn và không thời hạn, nhiều đối tượng lợi dụng những sơ hở, hạn chế này đã có hành vi vi phạm pháp luật lao động dẫn đến tình trạng quyền lợi của người lao động không đảm bảo…

 

Quy định của pháp luật về việc thành lập doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Cho thuê lại lao động là hoạt động có điều kiện, là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.  Theo Điều 54 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Điều 12, Điều 21 Nghị định 145/2020, doanh nghiệp cho thuê lại lao động được thành lập theo Luật doanh nghiệp và phải đảm bảo các điều kiện:

– Được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.   Doanh nghiệp cần phải có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động mới được thực hiện dịch vụ này. Để được cấp giấy phép hoạt động, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020.  Pháp luật Việt Nam quy định cho thuê lao động là một nghành kinh doanh có điều kiện vì vậy những hoạt động được cấp giấy phép phải nằm trong phạm vi 20 ngành nghề cho phép.

Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ.  Doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ theo mức quy định là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).  Tiền ký quỹ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.  Người lao động làm việc theo mô hình cho thuê lại lao động, thường là lao động mùa vụ, công việc mang tính chất tạm thời và rủi ro mất việc của họ khá cao. Vì vậy, pháp luật quy định khá khắt khe điều kiện đối với các ngành, nghề này nhằm tránh sự lạm dụng của các bên trong quan hệ CTLLĐ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

 – Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.   Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:  Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.  Không có án tích.  Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động.  Đây là điều kiện quan trọng nhất trong quan hệ cho thuê lao động.  Bên cho thuê lại lao động thực hiện ký kết hợp đồng trực tiếp với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại.  Mọi chế độ chính sách của người lao động sẽ do bên cho thuê lao động thực hiện chi trả nhưng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về nội dung hợp đồng lao động.

 

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động cho thuê lại lao động

Không giống như các quan hệ pháp luật lao động khác, quan hệ cho thuê lao động luôn có sự hiện diện của ba chủ thể: bên cho thuê lao động, bên thuê lại lao động và người lao động. Vì vậy, các bên trong quan hệ cho thuê lao động ngoài việc ngoài tuân các quy định về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 6 của Bộ luật Lao động năm 2019, còn phải tuân các quyền và nghĩa vụ mang tính đặc thù của quan hệ pháp luật cho thuê lao động.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Lao Động 2019, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lao động được xác định thông qua hợp đồng đã ký kết, có những trách nhiệm như sau:

– Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động.

– Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động.

– Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động.

– Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

– Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.

Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động

Cũng như bên cho thuê lao động, tại Điều 56 Bộ luật Lao Động 2019 quy định trách nhiệm bên thuê lại lao động cần phải thực hiện bên cạnh tuân thủ các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lao động.  Theo đó, bao gồm các quyền và nghĩa vụ sau:

–  Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.

–  Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.

–  Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

–  Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.

– Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lao động.

–  Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Quyền và nghĩa vụ của người lao động được thuê lại

Ngoài các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Lao động, người lao động thuê lại có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 58 Bộ luật Lao Động 2019 sau đây:

– Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động.

– Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động. Tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát hợp pháp của bên thuê lại lao động.

– Được trả lương không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

– Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động.

– Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động.

Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cho thuê lại lao động theo pháp luật hiện hành

Trong hoạt động cho thuê lại lao động, pháp luật quy định cụ thể các điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia.  Nếu các bên không tuân thủ, vi phạm quy định sẽ bị pháp luật xử lý.  Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ- CP quy định:

Đối với bên thuê lại lao động.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Không thông báo hoặc không hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết một trong các nội dung sau: nội quy lao động; các yếu tố nguy hiểm; yếu tố có hại; các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và các quy chế khác của mình.

– Không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật.

– Không kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người bị nạn; không khai báo hoặc điều tra tai nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật.

– Phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Sử dụng lao động thuê lại để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

– Sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực.

– Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.

– Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế hoặc chia; tách; hợp nhất; sáp nhập.

– Chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác.

– Sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

– Sử dụng lao động thuê lại không thuộc một trong các trường hợp sau: đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Đối với bên cho thuê lại lao động.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Không lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động.

– Không báo cáo tình hình cho thuê lại lao động theo quy định của pháp luật.

– Không niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính và bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép tại các chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) của doanh nghiệp cho thuê lại.

– Không gửi bản sao chứng thực giấy phép đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đến hoạt động trong trường hợp doanh nghiệp sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động.

– Không phối hợp với bên thuê lại lao động trong việc điều tra tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật.

– Không thông báo cho người lao động thuê lại các nội dung về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động.

– Không cử người thường xuyên giám sát, phối hợp hoặc kiểm tra việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại của bên thuê lại lao động.

Phạt tiền Từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.  Các mức phạt tiền từ mức 10.000.000 đồng đến 1000.000.000 đồng tùy theo vi phạm có quy mô từ 01 người đến 100 người lao động đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động có một trong các hành vi: trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn tiền lương của người lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động; không thực hiện đúng các chế độ với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; không thông báo hoặc thông báo sai sự thật cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Hoạt động cho thuê lại lao động mà không có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

– Sử dụng giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực để thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động để hoạt động cho thuê lại lao động.

– Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

– Cho thuê lại lao động đối với người lao động vượt quá 12 tháng.

– Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp; gia hạn; cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Sửa chữa, làm sai lệch nội dung Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đã được cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Giả mạo Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Giả mạo văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp; gia hạn; cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Không đảm bảo một trong các điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh phạt tiền, doanh nghiệp còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau:

– Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c khoản 6 Điều này.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 6, khoản 7 Điều này.

– Buộc doanh nghiệp cho thuê lại lao động trả khoản tiền lương chênh lệch cho người lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn tiền lương của người lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động quy định tại khoản 4 Điều này.

– Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

– Buộc nộp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép đó khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6 Điều này.

Cho thuê và thuê lại lao động là một giải pháp tiết kiệm, linh hoạt và hiệu quả, cho phép doanh nghiệp được đáp ứng nhu cầu nhân sự phù hợp nhanh chóng. Tuy nhiên, cần lưu ý thực hiện đúng các quy định về hoạt động cho thuê lại lao động để tránh vi phạm pháp luật.

Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo.  Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi.  Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  info@letranlaw.com