Xử Lý Đối Với Người Chưa Thành Niên Phạm Tội Theo Bộ Luật Hình Sự

Vania Van

Tình trạng người chưa thành niên phạm tội đã trở thành vấn nạn, nỗi lo chung của toàn xã hội.  Do tuổi đời còn quá trẻ, người chưa thành niên chưa đủ khả năng nhận thức và kiểm soát chính xác được suy nghĩ, hành vi của mình, chưa nhận thức hết các hành vi có thể cấu thành tội phạm. Đây cũng là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật.  Người ở độ tuổi chưa thành niên  thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, dẫn đến việc các em đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như:  cướp giật, đánh nhau, giết người, mua bán trái phép chất ma tuý…  và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hình sự.   Xử lý như thế nào đối với người chưa thành niên phạm tội?  Cùng tìm hiểu các quy định của pháp luật  về tội phạm chưa thành niên qua bài viết  sau đây.

Nhận diện người chưa thành niên phạm tội 

Người chưa thành niên được hiểu là những người chưa phát triển toàn diện về thể chất cũng như nhân cách.  Chưa đủ khả năng nhận thức và kiểm soát chính xác được suy nghĩ, hành vi của mình, dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn.  Điều 21 Bộ luật Dân sự ghi nhận người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định của pháp luật.

Người chưa thành niên phạm tội là người thực hiện hành vi phạm pháp khi chưa đủ 18 tuổi.  Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, mọi hành vi vi  phạm pháp luật đều được luật coi là tội phạm. Tuy nhiên, các chủ thể của tội phạm chưa thỏa mãn yêu cầu nhất định về năng lực chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.  Người chưa thành niên phạm tội nói chung là người mà tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự chưa đến tuổi trưởng thành, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định :

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

 – Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định.

Theo đó có thể xác định người chưa thành niên phạm tội là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Những nguyên nhân dẫn đến việc người chưa thành niên phạm tội 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người chưa thành niên phạm tội.  Có thể nhận thấy những nguyên nhân chính sau:

Do tâm sinh lý lứa tuổi  mới lớn.   Đây là nguyên nhân rất phổ biến. Người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức.  Độ tuổi này phát triển nhiều về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, dễ bị cảm xúc chi phối hành vi , thậm chí có xu hướng nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dễ dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Ảnh hưởng bởi những đổ vỡ, thiếu sự quan tâm của gia đình.  Nghiên cứu, thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ ly dị, ly thân, thường xuyên cãi vã, đánh đập lẫn nhau.  Đối với những gia đình có cha dượng, mẹ kế, có sự đối xử bất công bằng trong gia đình dễ gây ra những xung đột và những nhận thức lệch lạc của trẻ em.  Sự không quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, trẻ thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, trẻ bỏ học sống buông thả và tự kiếm tiền nuôi sống bản thân thì rất dễ sa ngã, bị bạn bè xấu lôi kéo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Những đứa trẻ được nuông chiều, cha mẹ đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng thiếu kiểm soát cũng dẫn đến trẻ mắc sai lầm rồi trượt dài trên những sai lầm đó dẫn đến phạm tội.

Sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu.  Môi trường xã hội xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, đạo đức, hành vi của một con người, nhất là với đối tượng trẻ em, người chưa thành niên.  Trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ.  Khi đứa trẻ sống trong môi trường mà cha mẹ không phải là những người mẫu mực, hành vi của cha mẹ thường ngày tác động đến tâm lý, thói quen của đứa trẻ thì sẽ dẫn đến đứa trẻ có những suy nghĩ, hành động như cha mẹ của chúng.  Những ông bố, bà mẹ nghiện ngập, thường xuyên đánh đập, chửi bới, nói bậy, chửi tục và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì rất khó để có thể giáo dục những đứa con thành người lương thiện.  Môi trường Nhà trường cũng là một môi trường giáo dục quan trọng để giúp cho các em ở lứa tuổi vị thành niên hình thành nhân cách, định hướng cho các em trong cuộc sống sau này.  Nếu không được giáo dục một cách toàn diện, lại sớm phải va chạm với thực tế cuộc sống khó khăn, dễ  dẫn đến sự chán đời, lười học và bỏ học, từ đó nảy sinh tình trạng tụ tập, chơi bời, dấn thân vào con đường phạm tội.

Ảnh hưởng tiêu cực từ internet.  Mạng xã hội đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến lối sống của giới trẻ.  Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội, nhưng đằng sau những thông tin giải trí vẫn có những thông tin xấu dẫn dắt giới trẻ.  Ảnh hưởng của mạng xã hội rất lớn.  Tình trạng sống ảo, thông tin giả, thông tin giải trí thiếu lành mạnh tràn lan.  Người chưa đủ 18 tuổi có thể chưa nhận thức hết tác hại, nguy hiểm từ tác động của mạng xã hội.  Các em bắt chước, làm theo hoặc bị xúi giục làm theo mà không nghĩ đến hậu quả.  Nhiều trang mạng xã hội còn rao bán công khai hung khí nguy hiểm, súng công cụ, thậm chí còn hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, điều chế ma túy, đánh bài bịp… Không ít thanh thiếu niên đã tham khảo thông tin, hướng dẫn từ các trang này để bắt chước thực hiện.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được coi trọng.   Công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên chưa được coi trọng đúng mức, còn nhiều bất cập, hạn chế.  Nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình chưa được phổ biến.  Giáo dục vẫn nặng về kiến thức mà còn coi nhẹ vấn đề đạo đức, kỹ năng sống và đặc biệt là giáo dục pháp luật ở các bậc học, cấp học chưa được coi trọng.  Những nguyên nhân này ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của trẻ.  Nhiều em chưa nhận thức đầy đủ về tội phạm, tính nguy hiểm của hành vi do mình gây ra.  Có trường hợp đối tượng là người chưa thành niên khi thực hiện hành vi mà không biết rằng đó là hành vi phạm tội.

Xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội theo Bộ luật Hình sự 2015 

Người chưa thành niên phạm tội là một vấn đề khiến cả xã hội nhức nhối.  Tuy nhiên, việc phạm tội của người chưa thành niên phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức chưa hoàn chỉnh của lứa tuổi.  Vì thế, việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cũng được pháp luật xem xét rất công minh và nhân văn. 

Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội được Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tại Điều 91 là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.  Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định áp dụng riêng cho đối tượng chưa thành niên và các tội khác của phần chung trong Bộ luật hình sự 2015 áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi.

Người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự, được áp dụng các biện pháp thay thế khác theo quy định khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục hậu quả thuộc người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, trừ các tội như tội cố ý gây thương tích, các tội về buôn bán trái phép chất ma túy… căn cứ theo quy định tại Điều 29  Bộ luật Hình sự 2015.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giáp sát, giáo dục quy định mà  không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Đối với người chưa thành niên phạm tội thì theo quy định của Bộ luật Hình sự không áp dụng xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Thông thường, đối với người trưởng thành phạm tội, ngoài hình phạt sẽ áp dụng hình phạt bổ sung nếu có.  Tuy nhiên, sẽ không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên, người dưới 18 tuổi phạm tội.

Và điểm cuối trong xử lý đối với người chưa thành niên khi phạm tội là án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm khi người chưa thành niên tiếp tục phạm tội.

Trong mọi trường hợp, công tác xử lý đối với người chưa thành niên đều dựa trên các nguyên tắc giáo dục, răn đe, hướng dẫn, giúp đỡ người chưa thành niên nhận thức sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo.  Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi.  Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  info@letranlaw.com