Xử lý Thông tin Tiêu cực trên Internet
Việt Nam đang trải qua thời kỳ số hóa, và các phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định về thông tin và truyền thông vẫn chưa đủ để bắt kịp với sự phát triển của Internet. Điều này dẫn đến việc các hành vi vi phạm quyền tác giả, nói xấu hay vu khống người khác trở nên phổ biến và được sử dụng như những chiến thuật vô đạo đức, nhằm mục đích thu hút người đọc, người xem và đem lại sự nổi tiếng cho người vi phạm, bất chấp ảnh hưởng đến danh dự của những người vô tội.
Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cho phép sao chép và sử dụng nội dung trong một số trường hợp cụ thể như giảng dạy, nghiên cứu, và thảo luận nội bộ. Dù vậy, người sử dụng hay thu thập những nội dung trên phải thể hiện thông tin của tác giả và nguồn mà họ lấy được thông tin đó. Trong một số trường hợp đặc biệt, người sử dụng cần có sự đồng ý của tác giả để sử dụng nội dung, dù là miễn phí hay phải trả phí. Pháp luật hình sự của Việt Nam cũng có những quy định về các tội danh liên quan đến nói xấu, vu khống và vi phạm quyền tác giả.
Gần đây, nhiều hành vi phạm tội quyền tác giả, cung thấp thông tin sai lệch, nói xấu, vu khống để gây ảnh hưởng xấu, xúc phạm người khác tại Việt Nam được các cơ quan Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, một trong những lý do chính là không có đơn tố cáo theo quy định của pháp luật của các bên bị xâm phạm, người bị hại hoặc các bên có liên quan khác.
Hiện nay, có rất nhiều cách để người bị hại có thể khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc khởi kiện dân sự hoặc thương mại vụ lại mất quá nhiều thời gian và chi phí, và cho dù có tiếp tục đến cùng thì bản án cuối cùng của Tòa án cũng chưa chắc sẽ được thực thi trên thực tế một cách hiệu quả. Việc khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan hành chính nhà nước (như cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan về thông tin truyền thông, cơ quan báo chí, v.v.) dường như kém hiệu quả hơn bởi họ không đủ nguồn lực để điều tra và xử lý cụ thể là nhân lực và công nghệ để xác định hành vi phạm tội. Hơn nữa, họ cũng không có quyền lực như của cơ quan công an để yêu cầu các bên liên quan giao nộp chứng cứ và tài liệu liên quan, hay tiến hành thẩm vấn để xác định những vi phạm trên thực tế. Do đó, phương thức hữu hiệu nhất chính là tiến hành tố cáo hành vi vi phạm, người vi phạm lên cơ quan công an có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng hình sự.
Bài viết này sẽ hướng dẫn một độc giả có cách nhìn tổng quan về quy trình tố cáo hành vi vi phạm lên cơ quan công an có thẩm quyền đối với các xâm phạm quyền tác giả, nói xấu và vu khống trên mạng Internet.
Bước 1: Truy vết và thu thập chứng cứ
Bạn nên tìm một chuyên gia về công nghệ thông tin để giúp đỡ trong việc truy vết và thu thập thông tin về vi phạm, đối tượng khả nghi và những người liên quan đến thông tin vi phạm đó (như trang web), nội dung mà bị xâm phạm quyền tác giả hoặc các thông tin sai lệch, nói xấu hoặc mang tính chất vu khống.
Tìm một dịch vụ thừa phát lại gần bạn để lập vi bằng, ghi nhận lại hiện trạng của hành vi vi phạm nhằm thiết lập chứng cứ hợp pháp phục vụ cho việc tố cáo. Thừa phát lại là một dịch vụ tư pháp được pháp luật công nhận để nhằm ghi nhận hiện trường, hiện trạng như người làm chứng độc lập. Thừa phát lại giúp tòa án, các tổ chức tư nhân, và các cá nhân ghi nhận lại các vi phạm thực tế, nguyên hiện trạng nơi xảy ra vi phạm, và thực trạng thông tin trên internet để làm bằng chứng. Tòa án có thể xem xét những vi bằng của thừa phát lại như chứng cứ quan trọng để chứng minh hành vi vi phạm. Chi phí cho dịch vụ thừa phát lại không cao, chỉ dao động trong khoảng từ 1.000.000 Đồng đến 6.000.000 Đồng để lập vi bằng ghi nhận thực tế hành vi vi phạm về quyền tác giả, nói xấu, vu khống hoặc xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
Bước 2: Làm việc với luật sư để gửi thư cảnh báo, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại đến người có hành vi vi phạm
Khi việc thu thập thông tin chứng cứ đã tạm đầy đủ, bạn nên cung cấp cho một luật sư tranh tụng (luật sư chuyên giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài và tố cáo hình sự). Luật sư tranh tụng này sẽ giúp bạn soạn thảo một thư cảnh báo, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm nhằm để yêu cầu bên vi phạm loại bỏ thông tin bất hợp pháp mà họ đang sử dụng hoặc các thông tin xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bạn, thông tin vu khống, nói xấu, xuyên tạc.
Bạn cũng có thể nhờ luật sư bổ sung thêm yêu cầu về bồi thường thiệt hại (ví dụ thiệt hại tinh thần, chi phí luật sư, chi phí thu thập chứng cứ – thừa phát lại, thu nhập bị mất do hành vi vi phạm tác động, v.v.).
Đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, bạn cũng có thể đề nghị với bên xâm phạm tiến hành kết hợp đồng nhượng quyền hoặc tác quyền với bạn nếu họ muốn tiếp tục sử dụng thông tin mà bạn là tác giả hoặc nắm tác quyền đồng thời sẽ trả cho bạn một khoản phí để sử dụng thông tin của bạn.
Trong thư cũng nêu rõ thời hạn để bên vi phạm chấm dứt hành vi, nếu hết thời hạn này mà người thực hiện hành vi vi phạm vẫn giữ im lặng hoặc không thể hiện thiện chí chấm dứt vi phạm cũng như có các biện pháp khắc phục hậu quả (như tháo bài, xin lỗi, cải chính công khai,v.v.) thì bạn nên nộp đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an có thẩm quyền.
Bước 3: Nộp đơn tố giác tội phạm
Hoạt động tố giác tội phạm sẽ thường bao gồm thư tố giác và các bằng chứng hỗ trợ cho việc chứng minh vi phạm.
Một đơn tố giác nên có:
- Thông tin của người tố giác (nguyên đơn): Họ tên đầy đủ, thông tin cá nhân hoặc thông tin đăng ký doanh nghiệp (thông tin trên hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, v.v.)
- Thông tin của người hoặc tổ chức thực hiện tội phạm (bị đơn/bên vi phạm): Họ tên đầy đủ, thông tin cá nhân hoặc thông tin đăng ký doanh nghiệp (bạn cũng có thể tìm kiếm trên những cổng thông tin của nhà nước)
- Miêu tả hành vi phạm tội (vi phạm gì, như thế nào, khi nào, nơi người vi phạm thực hiện hành vi, v.v.)
- Thiệt hại hoặc tổn thất bạn phải chịu do hành vi phạm tội (như danh tiếng, thu nhập tiềm năng, tổn thất trên thị trường, chi phí xây dựng nội dung và các kênh marketing, phí luật sự, phí thừa phát lại, và các loại phí khác mà bạn cho rằng là tổn thất của bạn để đối phó với hành vi phạm tội đó, v.v.)
- Cơ sở pháp lý để bạn tố cáo (nếu bạn biết); nếu bạn không có kinh nghiệm hoặc hiểu biết về các cơ pháp lý tương ứng với vi phạm, bạn có thể sử dụng một trong các quy định dưới đây:
- Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội vu khống: cấm các hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
- Điều 225, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan: nghiêm cấm một người hoặc một pháp nhân thương mại, khi không có sự cho phép của người sở hữu quyền tác giả và các quyền liên quan, cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam và thu lợi bất chính.
- Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về việc đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông: nghiêm cấm hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; và các hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
-
Bằng chứng được đính kèm trong đơn tố giác (bằng chứng bạn đã thu thập ở Bước 1)
Khi hồ sơ đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, bạn có thể nhờ dịch vụ chuyển phát để nộp đơn tố cáo lên cơ quan công an. Bạn nên sử dụng dịch vụ chuyển phát có báo phát để đảm bảo hồ sơ của bạn đã đến đúng địa chỉ của cơ quan công an.
Cơ quan công an có thể dành từ 02 đến 04 tháng để xử lý vụ việc và mời bạn lên dự phiên thẩm vấn để thẩm định những tình tiết và chứng cứ bạn đã giao nộp.
Sau đó, cơ quan công an sẽ liên hệ và triệu tập người thực hiện hành vi vi phạm và các bên liên quan khác (nếu có) để thẩm vấn và xác minh tình tiết và bằng chứng mà bạn đã nộp. Dựa trên lời khai và chứng cứ mà người vi phạm đưa ra, cơ quan công an sẽ xem xét liệu họ có nên mở thêm một cuộc điều tra sâu và rộng hơn để xác định các hành vi vi phạm có phải là tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành hay không?
Cơ sở quan trọng nhất để kết luận một hành vi là tội phạm chính là bằng chứng mà bạn cung cấp cho cơ quan công an. Sau đây là một số nguyên tắc về chứng cứ mà bạn nên lưu ý:
- Chứng cứ phải là những gì có thật và phải được thu thập theo trình tự và thủ tục của pháp luật (Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Chứng cứ sẽ là cơ sở để xác định tội phạm, người thực hiện tội phạm, và những tình tiết quan trọng khác để giải quyết vụ việc.
- Chứng cứ phải được thu thập và phải đến từ các nguồn sau: vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; và các tài liệu, đồ vật khác.
- Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
- Cơ quan công an, để thu thập chứng cứ, có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án, cơ quan công an phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi thẩm quyền và nghĩa vụ của mình, cơ quan công an phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
Hơn nữa, bạn phải chú ý đến quy trình điều tra của cơ quan công an để đảm bảo họ tiến hành điều tra đúng với các quy định của pháp luật. Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan công an phải chứng minh:
- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
- Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; và
- Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt
Chúng tôi mong rằng chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho bạn. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, xin hãy liên hệ với các Luật sư hình sự của chúng tôi tại info@letranlaw.com để nhận được giải thích hoặc tư vấn.