CHỨNG CỨ TRONG VỤ ÁN LAO ĐỘNG
Tháng Mười Hai 09, 2020 Tạp chí Pháp luật Lao động
Trong một vụ tranh chấp lao động nói chung, việc cung cấp chứng cứ là nghĩa vụ của bên đưa ra yêu cầu. Nguyên đơn chứng minh cho các yêu cầu khởi kiện, bị đơn chứng minh cho các yêu cầu phản tố. Khi thực hiện tố tụng trong lĩnh vực này, các bên cần lưu ý những quy định đặc thù riêng về chứng cứ trong một vụ tranh chấp lao động. Dưới đây là một số vụ án lao động đáng lưu ý có liên quan việc thu thập và cung cấp chứng cứ mà có ảnh hưởng đến việc công nhận chứng cứ tại tòa.
Tài liệu đọc được nội dung không phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp.
Trong một vụ án tranh chấp lao động về chấm dứt hợp đồng lao động do Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, người lao động (nguyên đơn) đã cung cấp cho Tòa án bản nội quy làm việc là bản photocopy, không có chứng thực sao y bản chính hoặc được người tiến hành tố tụng kiểm tra đối chiếu bản chính. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào bản photocopy của tài liệu này để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, nhưng sau đó đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ tại phiên xử cấp phúc thẩm. Cùng với nhiều vi phạm tố tụng khác của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bản án sơ thẩm.
Cụ thể, tại Bản án số 522/2019/LĐ-PT [1] ngày 05/6/2019, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Việc thu thập chứng cứ không đúng quy định theo Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự: Các tài liệu, chứng cứ như […] Bản nội quy làm việc đều là bản photocopy, không có chứng thực sao y bản chính hoặc được người tiến hành tố tụng kiểm tra đối chiếu bản chính nên các tài liệu, chứng cứ này không được xác định là chứng cứ. Cấp sơ thẩm chấp nhận bản photocopy bản nội quy làm việc là chứng cứ từ đó chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không đúng quy định.”
Tài liệu tự thu âm, thu hình không xuất trình được văn bản trình bày về xuất xứ của tài liệu.
Trong một vụ án tranh chấp lao động do Tòa án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang giải quyết, người lao động (nguyên đơn) đã xuất trình 01 USB có nội dung ghi âm các cuộc nói chuyện giữa người lao động và công ty liên quan đến vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, người lao động lại không xuất trình được văn bản trình bày về xuất xứ của nội dung ghi âm này, vì vậy, Tòa án Nhân dân Tỉnh Tuyên Quang đã không chấp nhận nội dung ghi âm là chứng cứ trong vụ án.
Tại Bản án số 02/2019/LĐ-PT [2] ngày 22/07/2019, Tòa án Nhân dân Tỉnh Tuyên Quang nhận định: “[…] Tại phiên tòa phúc thẩm ông L xuất trình 01 USB, ông L trình bày là có nội dung ghi âm các cuộc nói chuyện, tuy nhiên ông L không xuất trình văn bản trình bày về xuất xứ của chứng cứ này, vì vậy không được coi là chứng cứ trong vụ án, HĐXX trả lại cho ông L chiếc USB này như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.”
Thư điện tử được công nhận giá trị chứng cứ.
Trong một vụ án tranh chấp lao động do Tòa án Nhân dân Tỉnh Bình Dương giải quyết, người lao động (nguyên đơn) đã cung cấp cho Tòa án các “thư điện tử” trao đổi qua lại giữa người lao động và tổng giám đốc của công ty. Nội dung các thư điện tử liên quan đến việc công ty yêu cầu người lao động nghỉ việc và ngăn cấm người lao động không được tiếp tục vào công ty làm việc. Qua xem xét các nội dung của các thư điện tử, đối chiếu với lời thừa nhận của hai bên đương sự trong quá trình giải quyết vụ án và nội dung ghi nhận trong Biên bản hòa giải tranh chấp lao động của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Tòa án Nhân dân Tỉnh Bình Dương đã công nhận giá trị chứng cứ của các thư điện tử này. Trên cơ sở đó, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người lao động về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Tại Bản án số 29/2018/LĐ-PT [3] ngày 20/11/2018, Tòa án Nhân dân Tỉnh Bình Dương nhận định:
“[…] Nhận thấy, ngoài lời thừa nhận của hai bên đương sự như đã nêu tại mục [2] thì chứng cứ mà hai bên đương sự cung cấp để chứng minh là nội dung các “thư điện tử” trao đổi qua lại giữa bà T với ông C (bút lục 72-85, 236-246, 253-261); thư mời của Công ty gửi cho bà T và Biên bản hòa giải tranh chấp lao động ngày 07/8/2017 của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã TU.
[5]Xét thấy, Điều 10 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy đinh về hình thức thông điệp dữ liệu như sau: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, Fax và các hình thức tương tự khác”; Về giá trị pháp lý của thông điệp điện tử được quy định tại Điều 11 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, như sau: “Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá chỉ pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Qua xem xét nội dung các “thư điện tử” trao đổi qua lại giữa bà T với ông C, thấy rằng:
[…] Có căn cứ xác định: Chiều ngày 17/5/2017, ông C là người đại diện theo pháp luật của Công ty đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với bà T về việc ông C không muốn cho bà T tiếp tục làm công việc Kế toán trưởng, nhưng bà T không đồng ý nên ông C muốn chấm dứt hợp đồng lao động với bà T. Ngay chiều ngày 17/5/2017, ông C đã yêu cầu bà T bàn giao mọi thứ, bao gồm: Tài liệu, chìa khóa phòng làm việc và tiền bà T đang quản lý lại cho Công ty. Do đó, lúc 20 giờ 57 phút ngày 17/5/2017, bà T đã gửi thư điện tử cho ông C với nội dung: “1) Tôi cần giấy quyết định sa thải nhân viên của ông…4) Xin gửi các văn bản chính thức cho Sở Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Vietcombank và tất cả các nhà cung cấp để thông báo tôi ngày mai không còn là nhân viên của CDM nữa (hoặc Kế toán trưởng) từ ngày 18/5/2017. Ngày mai tôi sẽ qua Công ty lấy đồ dùng cá nhân của mình được không?”. Đến 21 giờ 10 phút ngày 17/5/2017, ông C gửi thư điện tử cho bà T xác định: “Cô không được đến Công ty vào ngày mai hay bất cứ ngày nào khác” để ngăn cấm bà T không được vào Công ty. Sau đó, hai bên tiếp tục gửi thư điện tử trao đổi qua lại với nhau, ông C yêu cầu bà T viết đơn từ chức vị trí Kế toán trưởng thì bà T sẽ được thanh toán 02 tháng lương, nếu bà T muốn tiếp tục ở lại Công ty làm việc thì vị trí của bà T là nhân viên Kế toán, nhưng bà T không đồng ý nên không viết đơn từ chức và cũng không đến Công ty làm việc. Xét thấy, việc ông C yêu cầu bà T viết đơn từ chức vị trí Kế toán trưởng để được tiếp tục làm việc tại Công ty với vị trí nhân viên Kế toán là vi phạm quy định tại Điều 1 về thời hạn và công việc của hợp đồng lao động mà hai bên đã ký kết (bút lục 15). Việc người đại diện hợp pháp của Công ty thừa nhận nội dung các thư điện tử mà Tổng giám đốc (ông C) đã gửi cho bà T, nhưng cho rằng: Đây là vấn đề trao đổi giữa cá nhân ông C với bà T, không phải là quyết định của Công ty cho bà T thôi việc. Mặt khác, nội dung của các thư điện tử trên chỉ là trao đổi để yêu cầu bà T sang làm công việc khác, vì sau đó Tổng giám đốc vẫn gửi thư điện tử yêu cầu bà T quay trở lại Công ty làm việc là không có căn cứ và trái với thỏa thuận của hợp đồng lao động mà hai bên đã ký.”
Tài liệu đọc được và lời khai của người làm chứng không được công nhận là chứng cứ vì thiếu tính khách quan.
Trong một vụ tranh chấp lao động do Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, công ty (bị đơn) đã cung cấp một biên bản họp cho Tòa án để chứng minh việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động là do người lao động tự tuyên bố nghỉ việc chứ công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Tuy nhiên, biên bản này được lập sau ngày diễn ra cuộc họp với người lao động, nhằm mục đích xác nhận nội dung cuộc họp trước đó, có chữ ký của giám đốc công ty và chữ ký xác nhận đại diện nhân viên công ty, nhưng không có chữ ký của người lao động. Người lao động không thừa nhận nội dung cuộc họp ghi nhận trong biên bản này. Vì vậy, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã không công nhận biên bản này là chứng cứ của vụ án vì thiếu tính khách quan. Trên cơ sở đó, Tòa án xác định công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, không phải là do hai bên đương sự tự thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Tại Bản án số 524/2017/LĐ-PT [4] ngày 12/6/2017, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
“Xét Biên bản họp về việc xác nhận nội dung cuộc họp ngày 09/5/2016, được lập ngày 10/5/2016 của Công ty có nội dung: “hôm nay […] ông T xin nghỉ công việc ngay bây giờ và ông T sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền này cho Công ty.” Có chữ ký của giám đốc Công ty và chữ ký xác nhận đại diện của nhân viên Công ty, nhưng không có chữ ký của ông T, không được ông T thừa nhận nội dung này. Mặt khác, tại phiên tòa Công ty đề nghị triệu tập người làm chứng là những người tham gia cuộc họp ngày 09/5/2017, cụ thể bà T nhằm xác nhận nội dung ông T tuyên bố chấm dứt hợp đồng lao động. Hội đồng xét xử xét thấy, nội dung cuộc họp được bị đơn xác nhận làm sau cuộc họp, người làm chứng hiện đang là nhân viên của Công ty; nguyên đơn không thừa nhận nội dung cuộc họp do Công ty cung cấp. Do đó, không thể công nhận nội dung Biên bản cuộc họp ngày 09/5/2016 làm căn cứ để giải quyết vụ án theo yêu cầu của Công ty, vì không khách quan.”
Một số lưu ý về việc thu thập và cung cấp chứng cứ:
•Chứng cứ chỉ có giá trị chứng minh khi đáp ứng đủ 03 thuộc tính sau:
–Tính hợp pháp: Chứng cứ phải được thu thập, kiểm tra và đánh giá theo trình tự, thủ tục và từ những nguồn do pháp luật quy định;
–Tính khách quan: Chứng cứ phải là những gì có thật, được hình thành và tồn tại một cách khách quan, không bị xuyên tạc, bóp méo theo ý chí chủ quan của con người; và
–Tính liên quan: Chứng cứ phải liên quan đến sự kiện cần chứng minh, được sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Trong một số trường hợp, mặc dù tài liệu không đảm bảo các thuộc tính nêu trên của chứng cứ nhưng đương sự vẫn có thể cung cấp cho Tòa án để có giá trị kham khảo trong quá trình giải quyết vụ án. Việc công nhận và sử dụng những tài liệu này như thế nào là quyền của Tòa án.
•Chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; dữ liệu điện tử; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực.
•Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình, hoặc đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.
•Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án. Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.
[1] Xem nội dung Bản án số 522/2019/LĐ-PT tại ĐÂY.
[2] Xem nội dung Bản án số 02/2019/LĐ-PT tại ĐÂY.
[3] Xem nội dung Bản án số 29/2018/LĐ-PT tại ĐÂY.
[4] Xem nội dung Bản án số 524/2017/LĐ-PT tại ĐÂY.
Tác giả: Employment Team
Bản quyền của tài liệu này thuộc sở hữu độc quyền của Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Không được sao chép, phát tán hoặc truyền tải bất kỳ nội dung nào của tài liệu này dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương thức nào, bao gồm sao chụp, ghi chép hoặc các phương thức thủ công hoặc điện tử khác, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản từ Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Chúng tôi bảo lưu tất cả các quyền và sẽ ngay lập tức thực hiện mọi hành động tố tụng pháp lý (hình sự, dân sự và thương mại) theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để xử lý (các) hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.